leftcenterrightdel
Chủ tịch Akihiro Kobayashi cùng các quan chức khác của hãng dược Kobayashi. Ảnh: Kyodo 

Bộ Y tế Nhật Bản đã xác nhận điều mà nhiều người dân nước này lo lắng: Thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ của hãng dược Kobayashi có thể góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe và tử vong cho người tiêu dùng.

Theo China Daily, ngày 28/5, hãng dược Kobayashi gửi thông báo xin lỗi vì gây ra sự căng thẳng và phiền muộn cho người tiêu dùng. Công ty cam kết hợp tác tích cực trong cuộc điều tra và nỗ lực hết sức để khôi phục niềm tin của công chúng.

Đến ngày 27/5, Bộ Y tế Nhật cho biết có 5 người tử vong sau khi dùng 1 trong 3 loại thực phẩm chức năng đã bị Kobayashi thu hồi. Ngoài ra, 281 người khác đã phải nhập viện. 

Nghiên cứu của Hiệp hội Thận học Nhật xác nhận một số bệnh nhân mắc hội chứng Fanconi - tình trạng ngăn cản hấp thu chất điện giải và các chất khác do sự suy giảm của ống thận. 

Các chuyên gia đã phát hiện nấm mốc xanh trong buồng nuôi cấy, bể chứa tại các nhà máy của Kobayashi ở Osaka và Wakayama. Axit puberulic sinh ra từ nấm mốc xanh có khả năng gây tổn thương thận, liên quan tới loạt ca bệnh đã sử dụng thực phẩm chức năng của Kobayashi. 

Ngoài axit puberulic, hai hợp chất khác đã được tìm thấy trong các sản phẩm của Kobayashi sản xuất từ tháng 6 đến 8/2023, khoảng thời gian bắt đầu nảy sinh nhiều ca bệnh. Hiện vẫn chưa rõ tác động của các chất trên với sức khỏe con người. 

Bộ Y tế Nhật nghi ngờ 2 hợp chất lạ cũng sinh ra khi nấm mốc xanh phát triển trong quá trình sản xuất thực phẩm chức năng. Chính phủ Nhật có kế hoạch tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của các bộ trưởng liên quan để xây dựng chính sách ứng phó với những phát hiện mới. 

Kyo Taniguchi, Giám đốc Phòng khám Quốc tế Taniguchi ở Osaka, cho biết ngay cả khi không có tạp chất, bản thân gạo men đỏ đã có nguy cơ gây rối loạn chức năng thận.

Theo Mainichi Shimbun, Taniguchi lưu ý rằng một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm hoặc cảnh báo liên quan đến sử dụng gạo men đỏ từ những năm 2010. Thụy Sĩ tuyên bố việc bán sản phẩm này là bất hợp pháp, Đức đưa ra cảnh báo chống lại việc tiêu thụ, Liên minh châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về mức độ an toàn. 

Chuyên gia Taniguchi lưu ý rằng phải đánh giá hiệu quả và độ an toàn của gạo men đỏ như một loại dược phẩm. Thành phần chính của gạo men đỏ, monacolin K, giống hệt với hoạt chất trong lovastatin - thuốc giảm cholesterol. 

Lovastatin không được cấp phép ở Nhật Bản nhưng vẫn được kê đơn ở các nước khác để kiểm soát cholesterol. Loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ bao gồm rối loạn chức năng thận và đôi khi dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. 

Bởi vậy, chuyên gia Taniguchi tuyên bố mặc dù thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ được bán trên thị trường vì lợi ích giảm cholesterol nhưng không thể bỏ qua những rủi ro - đặc biệt liên quan đến thận.

Theo vietnamnet