Những người lao động khuyết tật xếp hàng chờ làm thủ tục trước khi tiêm vắc xin - Ảnh: Bộ Kế hoạch và đầu tư
Việc tiêm vắc xin cho người lao động khuyết tật được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ ưu tiên tiêm vắc xin cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, và hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội.
Người lao động khuyết tật được hướng dẫn làm thủ tục trước khi vào tiêm vắc xin - Ảnh: Bộ Kế hoạch và đầu tư
Anh Phạm Việt Hoài, đại diện doanh nghiệp KymViet của người điếc, cho biết nhóm người lao động câm điếc đến từ Công ty KymViet có 22 thành viên tham gia tiêm vắc xin theo sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và đầu tư.
"Do bị khiếm khuyết về khả năng nghe và nói, khi nhận được thông báo về việc hỗ trợ công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, các bạn câm, điếc vừa vui mừng, vừa lo lắng.
Nhưng chúng tôi đã có cuộc họp với tất cả người lao động, giải thích việc cần thiết tiêm vắc xin phòng COVID-19 và ích lợi của việc được tiêm.
Khi các bạn hiểu ra, tất cả đều rất háo hức được tiêm phòng để tăng sức đề kháng chống dịch, và đặc biệt để có cơ hội được tiếp tục lao động, tạo ra sản phẩm có ích cho cuộc sống", anh Hoài chia sẻ.
Theo anh Hoài, các cơ quan ban ngành luôn quan tâm đến những người khuyết tật. Đây là động lực để những người khuyết tật có thêm niềm tin trong cuộc sống, tăng cường sức khỏe.
Các tình nguyện viên hỗ trợ người lao động khuyết tật di chuyển vào phòng tiêm vắc xin - Ảnh: Bộ Kế hoạch và đầu tư
PGS-TS-bác sĩ Đào Xuân Cơ, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đơn vị đã lên kế hoạch và tổ chức buổi tiêm vắc xin cho người khuyết tật hết sức an toàn, giãn cách, tránh lây nhiễm và đặc biệt là đảm bảo an toàn trong và sau khi tiêm.
"Có khoảng 200 người được tiêm trong buổi sáng ngày 29-7. Chúng tôi đã chọn những cán bộ ưu tú của bệnh viện trong chuyên môn để thực hiện tiêm cho những người khuyết tật này", bác sĩ Cơ nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư - cho biết từ năm 2018 đến nay, bộ đã quyết tâm lựa chọn và thực hiện việc bảo trợ với nhóm người khuyết tật.
"Trong diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chúng tôi càng ý thức rằng họ là những người dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Việc họ sớm được tiêm vắc xin là niềm động viên sâu sắc, giúp họ vượt qua khó khăn hằng ngày cũng như chiến thắng đại dịch", bà Ngọc nói.
Các bác sĩ tiêm vắc xin cho người lao động khuyết tật - Ảnh: Bộ Kế hoạch và đầu tư
Hướng dẫn kỹ cho người lao động khi tiêm vắc xin - Ảnh: Bộ Kế hoạch và đầu tư
Theo tuoitre