Nằm lọt thỏm giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy núi Himalaya là vương quốc Bhutan tí hon - quốc gia được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới - với dân số 770.000 người.

Tuy có dân số thấp, chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 của vương quốc Phật giáo này không đơn giản vì nơi đây có địa hình cao đi kèm thời tiết cực đoan, đồng thời có nhiều làng mạc rải rác. Mọi yếu tố này đã tạo ra thách thức lớn đối với các nhân viên y tế phụ trách vận chuyển vaccine đi khắp nước.

Trước khi bắt đầu vào ngày 20/7, chương trình tiêm chủng liều 2 của Bhutan đã được chuẩn bị trước từ nhiều tháng, bao gồm công tác đặt kho trữ lạnh vaccine ở những phòng khám khó tiếp cận, dùng trực thăng chuyển vaccine tới nơi hẻo lánh, và huy động tình nguyện viên phân bổ vaccine dọc đường mòn trên núi.

Tới ngày 27/7, khoảng 480.000 trong số 530.000 người đủ điều kiện (tương đương 90%) đã được tiêm chủng, Will Parks, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Bhutan, cho biết.

Ông Park cũng thêm rằng đây “có lẽ là chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất được thực hiện trong một đại dịch”.

Bhutan đã tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ hai cho 90% người trưởng thành đủ điều kiện trong tuần kết thúc ngày 27/7. Ảnh: AFP.


Làm tốt khâu chuẩn bị


Trong chiến dịch tiêm chủng đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4, Bhutan sử dụng khoảng 500.000 liều AstraZeneca do Ấn Độ quyên tặng. Sau khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine do phải đối mặt làn sóng biến chủng Delta, Bhutan phải tìm kiếm vaccine từ nguồn khác.

Chính phủ nhiều nước đã đáp ứng lời kêu gọi của Bhutan. Nước này nhận được 500.000 liều vaccine Moderna từ Mỹ qua cơ chế COVAX. Đan Mạch tặng 250.000 liều AstraZeneca, trong khi Trung Quốc đóng góp 50.000 liều Sinopharm. Hơn 100.000 liều AstraZeneca nữa tới Bhutan từ Croatia, Bulgaria, và một vài quốc gia khác vào ngày 27/7.

Với vai trò giúp đỡ ở khâu hậu cần, vận chuyển vaccine, và kho trữ lạnh, UNICEF cho biết thành công của Bhutan đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc các quốc gia dư thừa vaccine chia sẻ cho các nước thiếu thốn.

Mọi công dân Bhutan hơn 18 tuổi đều sẽ đủ điều kiện tiêm chủng và được chọn giữa vaccine Moderna và AstraZeneca. Ngoài ra, hơn 2.000 trẻ em tuổi 12-17 tại hai quận bị phong tỏa gần biên giới chung với Ấn Độ đã được chích ngừa trong đợt tiêm chủng gần đây bằng vaccine Pfizer.

Chính quyền Bhutan cũng mua thêm 200.000 liều vaccine Pfizer nữa để tiêm chủng cho trẻ em. Lô vaccine này dự kiến được giao trong năm nay.

   Trực thăng đóng vai trò thiết yếu trong việc vận chuyển vaccine tới các khu vực hẻo lánh. Ảnh: Bộ Y tế Bhutan.


Dù được đảm bảo về nguồn cung, Bhutan vẫn cần vận chuyển vaccine tới cho người dân. Đây là một kỳ công có sự tham gia của hơn 2.400 nhân viên y tế và 22.000 tình nguyện viên. Họ phải đi gõ cửa từng nhà để kêu gọi cộng đồng tiêm chủng chống dịch.

Các tình nguyện viên nhận vaccine từ trực thăng và đi bộ qua địa hình hiểm trở để tới trung tâm tiêm chủng ở xa, trong lúc vẫn phải đảm bảo vaccine được duy trì ở nhiệt độ thích hợp.

Công tác vận chuyển vaccine từ các nước đến Bhutan cũng đặt ra thách thức vì vị trí hiểm trở của sân bay Paro - cảng hàng không quốc tế duy nhất của Bhutan.

Để tiếp cận Paro, phi công phải cho máy bay bay qua thung lũng dài và uốn lượn để hạ cánh xuống đường bay rất ngắn. Trên thế giới không có quá 20 phi công được chứng nhận có thể hạ cánh tại Paro.

Với nửa triệu liều Moderna do Mỹ viện trợ, chuyến bay vận chuyển do một phi hành đoàn người Indonesia điều khiển với điểm khởi hành tại bang Kentucky.

“Chúng tôi phải đưa một phi công người Bhutan tới Calcutta (Ấn Độ) để đón và hướng dẫn chuyến bay ấy vào Paro”, Will Parks, đại diện của UNICEF tại Bhutan, nói.

Chủ động chống dịch


Trong những năm gần đây, Bhutan đã gặt hái được thành công lớn khi có thể giảm tỷ lệ nghèo từ 36% trong năm 2007 xuống còn 12% sau 10 năm, theo Ngân hàng Thế giới.

Đa số người dân Bhutan làm nông nghiệp, và phần lớn trong số ấy vẫn chủ yếu canh tác tự cung tự cấp. Tuy nhiên, nước này vẫn đạt được mức phát triển nhất định.

Chẳng hạn, thủy điện đã trở thành nguồn lực tăng trưởng lớn cho Bhutan và giúp mang lại ngân sách cho các dịch vụ xã hội như giáo dục và điện nước sinh hoạt.

Bhutan cũng là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong cuộc chiến chống lại Covid-19, nhờ lên kế hoạch sớm và phản ứng nhanh. Khi đại dịch xuất hiện, nhà chức trách nhanh chóng đóng biên giới, xét nghiệm diện rộng, áp lệnh phong tỏa, thực hiện truy vết, cách ly, và giãn cách xã hội.


Nhân viên y tế và tình nguyện viên Bhutan thường tự mang vaccine và phải trèo đèo lội suối để tới với người dân. Ảnh: UNICEF.


Tuy chỉ có hơn 300 bác sĩ trước đại dịch, Bhutan đã đào tạo hàng nghìn nhân viên y tế và thực thi kế hoạch phản ứng trước Covid-19 với quy mô toàn quốc.

Đến nay, Bhutan ghi nhận gần 2.500 ca mắc Covid-19 và chỉ 2 ca tử vong. Trường hợp chết vì Covid-19 đầu tiên là vào tháng 1.

Các chuyên gia y tế nhận định khả năng lãnh đạo mạnh mẽ đã củng cố công tác chống dịch và tăng cường kết nối với cộng đồng. Ba nhà lãnh đạo hàng đầu của chính quyền Bhutan - thủ tướng, bộ trưởng Y tế, và bộ trưởng Ngoại giao - cùng là bác sĩ hoặc chuyên gia y tế công cộng.

Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering từ sớm đã ủng hộ vaccine. Ông thường xuyên đăng video trên mạng xã hội để trả lời câu hỏi của người dân về vaccine hoặc biện pháp chống dịch.

Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck cũng có vai trò chủ động trong suốt đại dịch. Vị vua 41 tuổi này đi khắp cả nước và đến từng làng để nâng cao nhận thức về vaccine.

Chương trình tiêm chủng của Bhutan khiến nước này nổi bật lên so với các láng giềng trong khu vực Nam Á, như Bangladesh và Ấn Độ - hai quốc gia đang chật vật để kiểm soát biến chủng Delta dễ lây lan và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng.

Theo Zing