Cần có thêm chính sách làm việc linh hoạt

Theo tôi, trao quyền cho người dân tự quyết định sinh bao nhiêu con cũng hay, nhưng điều đó không có nghĩa người dân sẽ chịu sinh nhiều con. Thời bây giờ, ai có khả năng kinh tế và đủ sức khỏe mới chủ động chuyện sinh nhiều con.

leftcenterrightdel
 Chị Nguyễn Thị Phương Trà và con - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nếu đang khó khăn, cơm áo gạo tiền còn đè nặng thì có động viên đến mấy họ cũng không sinh. Ông bà 2 bên cũng mong chúng tôi sinh thêm con, nhưng tôi thấy chủ yếu vẫn là vợ chồng tự quyết định. Mình sinh con ra là mình phải nuôi nên không theo ý ông bà được.

Từ khi có con, tôi xác định chấp nhận lùi lại, làm những công việc có vị trí thấp hơn. Nhiều khi tôi cũng thấy tủi thân. Có thời điểm, tôi nhận việc làm thêm, nhưng rồi cuối cùng phải dừng vì không có thời gian cho con, lại rơi vào một vòng luẩn quẩn. Nếu có chính sách hỗ trợ phụ nữ và gia đình thì sẽ khuyến khích chúng tôi muốn sinh thêm con hơn.

Ví dụ có những chính sách làm việc linh hoạt như: tạo điều kiện giờ làm việc linh hoạt, làm việc từ xa và chế độ nghỉ thai sản, nghỉ nuôi con hợp lý hơn cho phụ nữ. Ngoài ra, tôi nghĩ việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các anh chồng tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc con cái và công việc nhà rất quan trọng. Tôi chỉ mong rằng, nếu sinh thêm con thì mình sẽ không có cảm giác bị bỏ lại hay cô đơn trên hành trình nuôi dạy con. - Chị Nguyễn Thị Phương Trà (sinh năm 1989, ngụ TP Đà Nẵng)

Có động lực để sinh thêm con

leftcenterrightdel
 Gia đình anh Lê Đăng Tuấn Anh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi là một kỹ sư xây dựng và có 2 con sinh đôi đều đã 7 tuổi. Từ lâu, tôi luôn ấp ủ mong muốn sẽ có thêm 1 đứa con nữa, nhưng vợ tôi còn ngại quy định của Nhà nước “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh đủ 2 con”. Nay có đề xuất từ Bộ Y tế, tôi có cớ để thuyết phục vợ.

Nhưng tôi cũng biết, lý do sâu xa mà vợ tôi chưa muốn sinh thêm con còn là do vấn đề kinh tế, điều kiện sống. Chúng tôi chưa mua được nhà ở Hà Nội, công việc dù có thu nhập tốt nhưng sẽ bị ảnh hưởng nếu vợ tôi phải nghỉ làm để sinh con.

Ngoài ra, chăm sóc con nhỏ cũng sẽ tốn khoảng 3 năm để con thực sự cứng cáp. Hiện tại, mục tiêu ưu tiên của chúng tôi là mua nhà, nuôi dạy tốt 2 em bé và đảm bảo sinh hoạt ổn định ở thành phố. Chúng tôi chưa dám mạo hiểm.

Nếu chính sách dân số giai đoạn mới có thêm các khoản trợ cấp, miễn giảm thuế và các ưu đãi tài chính khác cho những cặp vợ chồng sinh con thứ ba, thứ tư trở đi thì sẽ tạo động lực nhiều hơn cho chúng tôi. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế của từng địa phương cần được nâng cấp, tạo sự yên tâm cho chúng tôi khi chăm sóc, nuôi dạy con cái. -Anh Lê Đăng Tuấn Anh (sinh năm 1991, hiện sống tại Hà Đông, Hà Nội)

Bỏ giới hạn số con, tôi cũng không sinh thêm

Tôi hiện là một biên tập viên, thời gian làm việc khá linh hoạt. Nhiều bạn bè thường nói thích có công việc tự do như tôi, vì sẽ dễ sinh con, chăm sóc con hơn. Nhưng vợ chồng tôi mới có 1 cậu con trai 7 tuổi và chưa có ý định sinh thêm.

Nghe nói Bộ Y tế có đề xuất bỏ quy định giới hạn sinh 1-2 con, nhưng việc này cũng không khiến tôi quyết định sinh thêm. Bản thân tôi thấy điều kiện hiện tại của vợ chồng mình chỉ có thể tập trung kiếm tiền, nuôi 1 đứa con là vừa sức. Tôi quan niệm, chỉ nên sinh con khi đủ sức khỏe, đủ sức nuôi.

Trước đề xuất mới, tôi nghĩ nên đi kèm với những chính sách khuyến sinh khác để đạt hiệu quả bền vững hơn. Có thể là nên có nhiều nhà trẻ với chi phí thấp hoặc miễn phí, đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ để chúng tôi có thể yên tâm gửi con sớm sau khi sinh. Ngoài ra, cần những hỗ trợ, đồng hành chăm sóc sức khỏe cơ thể, tâm trí cho bà mẹ sau sinh. Khi đó, các bà mẹ sẽ có nhiều lựa chọn hơn để sẵn sàng sinh con mà vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống.- Chị Nguyễn Thị Hải Hậu (sinh năm 1990, hiện đang sống tại huyện Thanh Hà, Hà Nội)

Con cái nên sinh sớm khi ông bà còn đủ sức phụ trông cháu

Từ thời kỳ đổi mới, người dân trong xã tôi đã rất quen với khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1-2 con” được treo ở cột điện trước UBND xã. Nhưng tôi cũng chứng kiến một thực trạng là dân số trong làng ngày càng già đi.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Đức Phát - Ảnh do nhân vật cung cấp

Mười mấy năm về trước, trong làng lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ con nô đùa. Nhưng bây giờ, thanh niên tản đi các khu công nghiệp, các thành phố để làm việc nhiều; những cánh đồng thiếu người trồng trọt, nhiều thửa ruộng phải bỏ không. Dân trong làng chỉ còn là các ông bà già. Nếu có sót lại cặp vợ chồng trẻ nào thì tỉ lệ sinh con cũng rất thấp.

Xem ti vi thấy thông tin mới về đề xuất bỏ quy định chỉ sinh 1-2 con, tôi thấy vui. Chúng tôi đùa nhau: “Cái bảng tuyên truyền cũ sắp được gỡ đi rồi”. Người già chúng tôi ai cũng muốn có thêm cháu lúc còn sức khỏe để phụ trông cháu, đỡ đần các con.

Thế hệ trẻ giờ suy nghĩ khác chúng tôi. Ngày xưa là “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, giờ là kiếm cỏ rồi mới sinh voi. Tôi mong là ở các làng quê sẽ được đầu tư hơn để thanh niên muốn về quê lập nghiệp. Nếu có thêm nhiều việc làm cho thanh niên ở quê thì tốt quá, vì bây giờ ở quê, công việc rất hạn chế nên cùng lắm cũng chỉ là làm nông, lái taxi, đi làm ở khu công nghiệp.

Tôi mong sẽ có thêm những cơ hội nghề nghiệp để giữ chân bọn trẻ; các dịch vụ y tế, trường học tốt hơn để thu hút được con cháu xa quê trở về tạo dựng cuộc sống. -Ông Nguyễn Đức Phát (sinh năm 1957, hiện sống tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An)

Đề xuất bỏ giới hạn sinh 2 con để đảm bảo duy trì mức sinh thay thế

leftcenterrightdel
 

Bộ Y tế đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Dân số. Dự thảo này, khi xây dựng, đã tham khảo nhiều chuyên gia quốc tế và lấy ý kiến của các địa phương, các cơ quan, đơn vị.

Hiện nay, có 4 khó khăn, thách thức trong công tác dân số mà Việt Nam đang đối mặt. Các vấn đề này chủ yếu xuất phát từ sự phát triển kinh tế, xã hội và các yếu tố khách quan. Trong đó, mức sinh thay thế có xu hướng không đảm bảo một cách bền vững. Có sự khác biệt giữa các vùng miền và một số tỉnh thành có tỉ lệ sinh thấp hơn so với yêu cầu.

Cùng với đó là vấn đề già hóa dân số tăng nhanh; vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; sự lồng ghép của chương trình dân số vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương chưa được thực hiện hiệu quả.

Đứng trước các khó khăn, thách thức này, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế làm đầu mối để xây dựng Luật Dân số, nhằm giải quyết khó khăn, thể chế hóa các chính sách, quy định để công tác dân số đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề lực lượng lao động, sức khỏe.

Chúng tôi dự kiến trong Luật Dân số không quy định cụ thể về số con mà mỗi gia đình sẽ có. Thay vào đó sẽ có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo duy trì mức sinh thay thế và đảm bảo cơ cấu dân số vàng.

Hiện có một số tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế thấp, tuy nhiên cũng có nhiều địa phương có mức sinh thay thế cao. Nhiệm vụ của Bộ Y tế là điều chỉnh đề án làm sao đảm bảo phù hợp để Việt Nam duy trì mức sinh thay thế, không để xảy ra tình trạng giảm mức sinh mà không thể khôi phục như một số quốc gia khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương


Theo phụ nữ TPHCM