Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vừng có tên khoa học là Sesamum indicium, có màu sắc khác nhau (phổ biến tại Việt Nam là đen hoặc vàng). Hàm lượng dầu giảm dần với hạt sẫm màu hơn.

Loại hạt này rất giàu protein, chất béo và một số hợp chất hoạt tính có tác dụng chống ô xy hóa, chống viêm và chống khối u. Hạt vừng có thể có lợi hệ tim mạch, hỗ trợ giảm cholesterol máu.

Hạt vừng hỗ trợ giảm cholesterol máu- Ảnh 1.

Hạt vừng là thực phẩm tốt cho sức khỏe với ưu điểm hỗ trợ giảm cholesterol máu, chống viêm

HẠ HUY

Hạt vừng làm giảm cholesterol, có thể chống viêm

Hàm lượng chất xơ cao của hạt vừng là lựa chọn tối ưu cho những người có mức cholesterol cao. Một số nghiên cứu cho thấy thường xuyên tiêu thụ hạt vừng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách giúp giảm mức cholesterol. Mặc dù hạt vừng chứa một lượng nhỏ chất béo bão hòa nhưng chúng cũng chứa chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn.

Tăng cường tiêu thụ chất béo không bão hòa thay cho chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Do đó, chế độ ăn uống với thực phẩm là hạt vừng, kết hợp các chiến lược phòng ngừa bệnh lý tim mạch sẽ đem lại hiệu quả tích cực.

Một số nghiên cứu đã nhận thấy các thành phần của hạt vừng chứa nhiều hợp chất polyphenolic có tác dụng chống viêm. Thêm hạt vừng vào chế độ ăn uống cân bằng cũng có thể giúp kiểm soát các tình trạng viêm nhiễm như viêm khớp dạng thấp.

Ngoài ra, tiêu thụ vừng có thể làm giảm huyết áp nhờ hàm lượng a xít béo không bão hòa đa, chất xơ và lignan.

Hạt vừng cũng rất giàu magie, một khoáng chất thiết yếu đóng vai trò chính trong việc điều hòa huyết áp. Lượng magie thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp. Một muỗng canh hạt vừng cung cấp 31,6 mg magiê, khoảng 8% lượng khuyến nghị hàng ngày.

Hỗ trợ giảm lượng đường trong máu

Vì có hàm lượng carbohydrate thấp, giàu protein và chất béo lành mạnh, vừng hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. 3 thìa hạt vừng chứa khoảng 6 gram carbohydrate, 13 gram chất béo và 5 gram protein. Một lượng nhỏ carbs sẽ làm tăng nhẹ lượng đường trong máu, nhưng hàm lượng chất béo và protein sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng tăng lượng đường trong máu.

Hạt vừng cũng đã được nghiên cứu về đặc tính chống ung thư. Chúng chứa sesamol, một hợp chất phenolic tự nhiên có liên quan đến các đặc tính chống ô xy hóa, chống đột biến, chống viêm và ngăn ngừa ung thư. Việc kết hợp vừng vào một chế độ ăn uống cân bằng có thể hỗ trợ ngăn ngừa sự khởi phát của một số bệnh ung thư hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của sự tiến triển của chúng.

Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý, hạt vừng an toàn cho người trưởng thành khỏe mạnh. Tuy nhiên, dị ứng vừng có thể xảy ra, tương tự như với một số thực phẩm khác, do yếu tố cơ địa. Những người bị dị ứng với vừng, cần phải đọc kỹ thành phần thực phẩm để tránh nguy cơ không mong muốn khi sử dụng.

Theo Viện Dinh dưỡng, hạt vừng lại có hàm lượng vitamin B2 (riboflavin) rất cao.

Khi vào cơ thể, vitamin B2 được biến đổi thành các dạng co-enzym hoạt động cần cho sự hô hấp của mô và sự hoạt hóa vitamin B6 (vì khi thiếu hụt vitamin B6 có thể dẫn đến thiếu máu nguyên bào sắt, viêm dây thần kinh ngoại vi, viêm da tăng bã nhờn, khô nứt môi...), liên quan đến sự toàn vẹn của hồng cầu...

Khi cơ thể bị thiếu vitamin B2 sẽ gây nên hiện tượng sần rám da, chốc mép, khô nứt môi, viêm lưỡi và viêm miệng và có thể có những triệu chứng về mắt như ngứa và rát bỏng, sợ ánh sáng.

Đặc biệt, hàm lượng vitamin B9 (folate) trong hạt vừng rất cao (97 µg), cao gấp đôi so với hàm lượng vitamin B9 có trong hạt chia (49 µg) và cao gấp 16 lần so với quả việt quất (6 µg).

Vitamin B9 quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển bình thường và khỏe mạnh của thai nhi; giảm nguy cơ mắc ung thư cũng như góp phần cho hệ xương chắc, khỏe.

Theo Thanh niên