Luôn có cảm giác buồn bã, lo âu
Cảm giác buồn bã, lo âu… có lẽ là biểu hiện rõ nhất ở mọi căn bệnh tâm thần: rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoang tưởng, trầm cảm,… Nếu bỗng nhiên một ngày, bạn cảm thấy bản thân có những dấu hiệu lạ, cảm thấy buồn bã, chán nản, lo âu, ưu phiền dù không có vấn đề gì nghiêm trọng thì bạn nên thử đến tìm gặp bác sĩ để được nghe tư vấn.
Đa nghi mọi vấn đề xung quanh
Người mới mắc bệnh tâm thần có thể có những suy nghĩ, cảm xúc kì lạ, bất thường. Họ tự tưởng tượng và luôn có khuynh hướng nghi ngờ mọi việc trong mọi tình huống, nghi ngờ người xung quanh dù là người thân cận, đáng tin. Nếu không chữa trị kịp thời, để lâu ngày bệnh có thể chuyển sang nặng thành bệnh hoang tưởng.
Hay có cảm giác bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống
Một biểu hiện dễ nhận thấy nữa ở người mắc bệnh tâm thần ở giai đoạn sớm là những suy nghĩ tiêu cực. Họ luôn nghĩ mọi việc theo chiều hướng xấu, bi quan và cảm thấy cuộc sống này không có niềm vui, ý nghĩa. Họ chán nản, tuyệt vọng và càng thu mình nhỏ bé giữa xã hội. Người bệnh rất dễ chuyển sang tự kỷ, trầm cảm nếu không có biện pháp kịp thời để tác động đến suy nghĩ.
Có biểu hiện rối loạn nhịp sống, sức khỏe suy giảm
Bệnh nhân mắc bệnh tâm thần sẽ thường xuyên bị đảo lộn đồng hồ sinh học, mất ngủ, rối loạn ăn uống và bên cạnh đó là một số thay đổi về thể chất như đau đầu, đau cổ, mỏi lưng,…
Hay nói nhiều, dễ kích động
Đây là một biểu hiện tâm lý, hành vi rõ nhất đối với người mắc bệnh tâm thần. Bệnh nhân trở nên nói nhiều hơn một cách kì lạ, họ nói vu vơ, những câu chuyện không có căn cứ mà người nghe khó có thể hiểu được. Hơn nữa, họ cứ nói liên tục, không ngừng nghỉ nhưng cũng không cảm thấy mệt mỏi. Đi kèm với đó là nhảy múa, khua chân khua tay và có những hành động rất lạ. Họ cũng rất dễ bị kích động, hoảng loạn nếu bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, có thể khóc như trẻ con, la hét, hoặc một số im lặng.
Tâm thần là bệnh phổ biến, bệnh tâm thần có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi, từ thời thời ấu cho đến những năm trưởng thành và những năm về sau. Bệnh có thể ảnh hưởng tạm thời hoặc lâu dài. Do đó, nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng bệnh như trên, hãy đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa, biện pháp can thiệp thường là kiểm soát căng thẳng, cải thiện triệu chứng bệnh bằng thuốc, vật lý trị liệu hoặc cải thiện thói quen sống lành mạnh. Việc phát hiện sớm và điều trị sẽ giúp cho người bệnh cải thiện tình trạng bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính năm 2019, cứ 8 người lại có một người sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.
Vào năm 2020, số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm tăng khoảng 25%, kéo theo số ca tự tử tăng. Nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị. Chỉ 29% số người bị rối loạn tâm thần và 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần Trung ương, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân.
|
Theo suckhoedoisong.vn