Ho là triệu chứng phổ biến của các bệnh lý hô hấp, đây là phản ứng tốt của cơ thể để đẩy vi khuẩn hoặc các tác nhân gây hại ra ngoài. Ho có thể bao gồm ho khan hoặc ho có đờm.

Đờm hay còn gọi là chất nhầy là một lớp phủ bảo vệ để giữ các chất kích thích và vi trùng tránh xa các mô mỏng và nhạy cảm của đường thở. Mũi và xoang của chúng ta tiết ra trung bình khoảng 1 lít chất nhầy mỗi ngày. Đường hô hấp và phổi cũng tiết ra chất nhầy. Cơ thể thậm chí còn tạo ra nhiều chất nhầy hơn khi chúng ta phản ứng với dị ứng, bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng.

Nếu bạn gặp tình trạng ho có đờm trắng, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc các bệnh hô hấp, bệnh về phổi khác.

1. Màu sắc của đờm cho biết gì về tình trạng sức khoẻ?

Nhìn vào màu sắc của đờm không phải là phương pháp chẩn đoán chính xác hoàn toàn nhưng có thể giúp chúng ta dự đoán về tình trạng sức khoẻ.

- Nếu bạn ho ra đờm có màu vàng hoặc xanh lá cây, điều đó có thể cho thấy bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu đờm có màu xanh hơi vàng có thể là dấu hiệu của bệnh xơ nang.

- Nếu đờm có màu xám hoặc trắng thì có thể bạn không bị bệnh hoặc do các bệnh về phổi.

- Đờm có màu nâu có thể xảy ra thường xuyên ở những người hút thuốc và thường là dấu hiệu của bệnh phổi đen, một tình trạng liên quan đến việc tiếp xúc với bụi than.

- Đờm có màu đỏ có thể báo hiệu bệnh ung thư phổi hoặc dấu hiệu của cục máu đông đã vỡ ra ở một bộ phận khác của cơ thể và đến phổi.

- Nếu đờm màu hồng thì có thể do tích tụ chất lỏng trong phổi.

Ho có đờm trắng là bị bệnh gì? - Ảnh 1.

Màu sắc của đờm có thể giúp chúng ta dự đoán về tình trạng sức khỏe (Ảnh: ST)

2. Ho có đờm trắng là bệnh gì?

Ho có đờm trắng thông thường liên quan đến các bệnh về phổi hoặc đường hô hấp.

2.1. Viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng viêm các lớp niêm mạc của ống phế quản, khiến các đường ống dẫn khí này bị thu hẹp lại. Viêm phế quản làm tăng sản xuất dịch nhầy, làm cho các dịch này ứ đọng và hình thành đờm tại phế nang.

Viêm phế quản có thể do nhiễm virus hoặc do tiếp xúc với các chất ô nhiễm, chẳng hạn như khói thuốc lá.

Các triệu chứng của viêm phế quản bao gồm ho có đờm, sốt, sổ mũi, đau họng dai dẳng, cảm giác khó chịu ở ngực.

Cách điều trị

Điều trị viêm phế quản phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm phế quản do nhiễm virus, bệnh có thể thuyên giảm mà không cần điều trị. Thuốc ho không kê đơn có thể giúp giảm triệu chứng.

Để giúp giảm triệu chứng, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà như: uống trà nóng, trà gừng hoặc mật ong. Tránh các chất ô nhiễm và chất gây dị ứng, bỏ thuốc hoặc không hút thuốc khi có người bệnh. Tiêm vắc xin cúm và viêm phổi, đặc biệt là trẻ em và người già.

2.2. Nhiễm trùng đường hô hấp trên

Ho có đờm trắng có thể do nhiễm trùng đường hô hấp trên do sự tấn công của virus và vi khuẩn, dẫn đến tăng sản xuất chất nhầy khi cơ thể cố gắng loại bỏ chúng. Đây là tình trạng ảnh hưởng đến mũi, hầu họng, thanh quản, xoang và đường hô hấp lớn. Cảm lạnh thông thường, cúm và COVID-19 là những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp tên phổ biến.

Ngoài đờm trắng, các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm: ho, hắt xì, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi.

Cách điều trị

Nếu nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus, bệnh có thể tự khỏi. Hoặc mọi người có thể sử dụng thuốc không kê đơn (OTC) để giảm các triệu chứng, kết hợp với các biện pháp tại nhà như:

- Uống nhiều nước hoặc trà gừng, mật ong,...

- Sử dụng máy tạo độ ẩm để giảm triệu chứng ho hoặc nghẹt mũi.

- Súc miệng bằng nước muối nếu bị đau họng và rửa mũi với nước muối sinh lý.

Nếu nhiễm trùng đường hô hấp trên do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, mọi người lưu ý sử dụng kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ để phòng tránh tình trạng kháng kháng sinh sau này.

Ho có đờm trắng là bị bệnh gì? - Ảnh 2.

Ho có đờm trắng là một trong những triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên (Ảnh: ST)

2.3. Hen suyễn

Hen suyễn là một tình trạng mãn tính của phổi gây hẹp và viêm đường hô hấp. Tình trạng này gây ra sự gia tăng sản xuất chất nhầy trong đường dẫn khí, có thể làm giảm luồng không khí trong khi thở, điều này đặc biệt ảnh hưởng đến hơi thở.

Các triệu chứng khác của bệnh hen suyễn bao gồm: ho (có thể ho có đờm trắng), hụt hơi, thở khò khè. Nguyên nhân gây bệnh hen suyễn thường do chất gây dị ứng, khói thuốc lá, chất gây ô nhiễm không khí.

Cách điều trị

Điều trị bệnh hen suyễn có thể bao gồm thuốc giãn phế quản - chẳng hạn như albuterol (Ventolin), steroid dạng hít - chẳng hạn như beclomethasone (Qvar) hoặc kết hợp. Điều quan trọng là sử dụng đơn thuốc theo lời khuyên của bác sĩ, vì tình trạng bệnh của mỗi người là khác nhau.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể giảm nhẹ và kiểm soát triệu chứng bằng một số biện pháp như:

- Tránh các tác nhân gây dị ứng như khói thuốc, bụi nấm mốc,... bằng cách dọn dẹp nhà cửa, thảm, chăn gối, gia giường sạch sẽ, bỏ thuốc lá.

- Duy trì lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý.

- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng

- Sử dụng thuốc phòng ngừa nếu như bác sĩ chỉ định.

2.4. Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh phổi mãn tính gây ra tình trạng tắc nghẽn luồng khí từ phổi. Những triệu chứng phổ biến khi bị COPD là ho có đờm trắng, hụt hơi, khó thở, thở khò khè.

Tình trạng này thường xảy ra do tiếp xúc lâu dài với các loại khí gây kích ứng hoặc các hạt vật chất, thường là do khói thuốc lá. Những người mắc bệnh COPD có nguy cơ cao mắc bệnh tim, ung thư phổi và nhiều tình trạng khác.

Cách điều trị

Để chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) tương đối khó. Điều quan trọng là người bệnh kiểm soát và phòng ngừa các đợt COPD cấp. Điều trị y tế các đợt COPD cấp có thể liên quan đến việc bổ sung oxy và thuốc. Một số loại thuốc điều trị như giãn phế quản, steroid, kháng sinh nếu nhiễm trùng do vi khuẩn.

Ngoài ra, CDC còn khuyến nghị những người bị phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nên:

- Bỏ thuốc lá, đây là điều cực kỳ quan trọng và hiệu quả trong quá trình kiểm soát và điều trị COPD.

- Đăng ký phục hồi chức năng phổi

- Tập các bài tập dành cho người bị COPD như đi bộ, đạp xe, nâng tạ nhẹ, nâng tay về phía trước,...

- Tiêm vắc xin cúm và viêm phổi

3. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Khi bị ho hoặc ho có đờm trắng mà kèm theo các triệu chứng sau, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám để tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp:

- Ho ra một lượng đờm màu trắng bất thường và nhiều.

- Bị ho nặng hoặc thở khò khè dai dẳng.

- Đờm đổi từ màu trắng sang các màu khác, đặc biệt khi có màu đỏ nên đến bệnh viện ngay.

- Ho kéo dài hơn 8 tuần, ngay cả khi họ không ho ra đờm.

 

Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn thì cần được cấp cứu ngay như:

- Khó thở

- Khó nói do khó thở nghiêm trọng

- Môi hoặc móng tay chuyển sang màu xanh hoặc trắng

- Lú lẫn

- Mất dần ý thức

Trên đây là những nguyên nhân gây ra tình trạng ho có đờm trắng. Nếu nhận thấy tình trạng ho bất thường, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám ngay và tránh trường hợp tự ý điều trị quá lâu vì có thể gây ra biến chứng.

Vân Anh (Tổng hợp)