Hội chứng chân không nghỉ là một tình trạng gây ra sự hối thúc không thể cưỡng lại được để di chuyển chân, thường là vào buổi tối hoặc ban đêm khi ngồi hoặc nằm.
Hội chứng chân không nghỉ có liên quan đến giấc ngủ kém, trầm cảm, lo âu, chế độ ăn uống kém và béo phì, đây là các yếu tố nguy cơ đối với sa sút trí tuệ đã được biết đến. Nhưng mối liên quan giữa hội chứng chân không nghỉ và sa sút trí tuệ cho đến nay vẫn chưa được rõ.
Để tìm hiểu mối liên quan này, các nhà khoa học Hàn Quốc đã nghiên cứu khoảng 2.500 người trưởng thành mắc hội chứng chân không nghỉ và một nhóm đối chứng gồm hơn 9.900 người tương đồng không mắc hội chứng chân không nghỉ. Tất cả đối tượng nghiên cứu có độ tuổi trung bình 73 tuổi.
Kết quả cho thấy, trong khoảng 10 năm, tổng cộng có 874 người trong nghiên cứu bị sa sút trí tuệ và những người mắc hội chứng chân không nghỉ có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao hơn đáng kể (chiếm 10%) so với người không mắc hội chứng chân không nghỉ (6%).
Sau khi tính đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị sa sút trí tuệ, những người mắc hội chứng chân không nghỉ có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao hơn 46% so với người không mắc hội chứng chân không nghỉ.
Tiến sĩ Eosu Kim và cộng sự tại Đại học Y Yonsei ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết: "hội chứng chân không nghỉ có thể gây suy giảm khả năng tư duy và trí nhớ dẫn đến sa sút trí tuệ và có thể được coi là yếu tố nguy cơ "mới được xác định" hoặc là dấu hiệu rất sớm của sa sút trí tuệ".
Hội chứng chân không nghỉ có liên quan đến giấc ngủ kém, trầm cảm, lo âu...Ảnh minh họa
Nếu điều này được xác nhận trong các nghiên cứu tiếp theo, các nhà khoa học cho rằng việc kiểm tra thường xuyên tình trạng suy giảm nhận thức ở những người lớn tuổi mắc hội chứng chân không nghỉ có thể giúp phát hiện và can thiệp sớm đối với những người có nguy cơ bị sa sút trí tuệ.
"Hiện nay ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy giấc ngủ là một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được liên quan tới sự suy giảm nhận thức" – Tiến sĩ Thanh Dang-Vu tại Đại học Concordia ở Montreal (Canada), người không tham gia nghiên cứu cho biết.
Tiến sĩ Dang-Vu cho rằng: "Các nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng cả chứng mất ngủ và chứng ngừng thở khi ngủ đều làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và có thể là tình trạng sa sút trí tuệ. Ngừng thở khi ngủ là một bệnh lý rối loạn tiềm ẩn nghiêm trọng, trong đó xuất hiện những cơn ngừng thở tái diễn trong khi ngủ. Nghiên cứu mới này đã cho thấy, hội chứng chân không nghỉ cũng nên được coi là một yếu tố nguy cơ liên quan đến giấc ngủ có thể dẫn tới sa sút trí tuệ".
Theo suckhoedoisong.vn