Theo BSCKII. Nguyễn Thị Phương Loan, sa sút trí tuệ là một hội chứng do bệnh lý của não, có diễn biến từ từ và mang tính chất nặng dần. Theo thống kê, cứ mỗi 3 giây trên thế thới lại có một người bị sa sút trí tuệ. Dự đoán, đến năm 2030, thế giới sẽ có 78 triệu người, và 2050 con số này tăng tới 139 triệu người mắc sa sút trí tuệ.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nước ta có 12 triệu người ở độ tuổi trên 65 tuổi và tuổi thọ trung bình là 75. Già hóa dân số đồng nghĩa với việc chúng ta đang phải đối diện với các vấn đề bệnh tật của người cao tuổi, trong đó sa sút trí tuệ đang là một thách thức.

Ước tính, số người mắc sa sút trí tuệ năm 2015 là 660.000 người. Tỷ lệ gánh nặng bệnh tật của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ lên đến 52% trên tổng gánh nặng bệnh tật do bệnh thần kinh và tâm thần ở người cao tuổi tại Việt Nam.

Tư vấn chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sa sút trí tuệ, BS. Loan cho hay, để tạo cho người bệnh bị giảm cảm giác ngon miệng có thể tìm lại được hương vị bữa ăn thì nên:

  • Cho người bệnh ăn những thực phẩm có màu và mùi thơm dễ chịu;
  • Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn, bên cạnh các bữa chính, nên sắp xếp thêm các bữa ăn nhẹ.
  • Trường hợp người bệnh mất cảm giác muốn ăn, gia đình có thể hỏi thêm bác sĩ về việc bổ sung chế độ ăn uống chất lỏng hoặc thuốc để kích thích sự thèm ăn.
  • Khi chế biến đồ ăn, nên làm các món mềm, ẩm. Ví dụ như trứng bác, bột yến mạch, sữa chua, phô mai, khoai tây nghiền, cháo, súp, cá nướng, nước ép, sữa lắc và sinh tố.
  • Đối với các loại thực phẩm khác, có thể nghiền thức ăn hoặc cắt thành miếng nhỏ, cỡ vừa cắn.
  • Tránh các món rán, chiên, xào.
  • Giảm muối và đường trong khẩu phần ăn cho người bệnh.
  • Và đặc biệt nên kiểm tra miệng người bệnh sau mỗi bữa ăn, để đảm bảo tất cả thức ăn đã được nuốt.

Chế độ ăn nên áp dụng cho bệnh nhân sa sút trí tuệ - Ảnh 3.

Nhân viên y tế tư vấn cho người mắc sa sút trí tuệ. Ảnh: Thành Dương

Để phòng ngừa sa sút trí tuệ, người cao tuổi cần thực hiện các khuyến cáo của bác sĩ:

  • Thường xuyên hoạt động trí não như đọc sách báo, tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng.
  • Người cao tuổi phải thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng...
  • Giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy .
  • Khi sử dụng các thuốc bổ não, dưỡng não cần có sự chỉ định và tư vấn của các chuyên gia y tế.
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và cần được thăm khám sớm khi có các triệu chứng.

Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Chính vì vậy việc chăm sóc và điều trị cho người bệnh nên thực hiện sớm tại các cơ sở y tế uy tín.

Theo suckhoedoisong.vn