leftcenterrightdel
Megan chưa bao giờ tự tin về ngoại hình của bản thân. Ảnh:Harper's Bazaar.  

"Tôi không bao giờ nhìn bản thân mình theo cách người khác nhìn tôi. Chưa bao giờ trong đời tôi biết yêu cơ thể mình, chưa bao giờ”, Megan Fox nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với Sports Illustrated.

Chia sẻ với CNN, nhà tâm lý học lâm sàng Ramani Durvasula, cho biết những người mắc hội chứng rối loạn hình thể thường chú ý quá mức vào một đặc điểm rất nhỏ trên cơ thể mình và nhìn nhận chúng một cách tiêu cực.

Theo Hiệp hội điều trị lo lắng và trầm cảm Mỹ, khoảng 2% dân số trên thế giới mắc hội chứng này. Người bị rối loạn hình thể thường bắt đầu xuất hiện biểu hiện khi ở độ tuổi dậy thì - khoảng thời gian cơ thể thay đổi mạnh mẽ.

Nguyên nhân gây ra hội chứng rối loạn hình thể

Theo bà Durvasula, người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ dễ mắc chứng dị dạng cơ thể hơn.

Theo một nghiên cứu năm 2010, các nhà khoa học đã khám phá ra người mắc chứng bệnh này có sự bất thường trong việc xử lý thông tin hình ảnh khi nhìn vào khuôn mặt của chính họ.

Rối loạn hình thể đôi khi bắt nguồn từ sự cầu toàn, sự lo lắng hoặc cái nhìn của những người xung quanh, đặc biệt là người thân, về ngoại hình của một người.

"Điều đó khiến một người dần trở nên quá nhạy cảm với những khiếm khuyết về ngoại hình của họ. Điều này thường bắt nguồn từ những chấn thương tâm lý liên quan đến ngoại hình trong quá khứ. Dần dà, người mắc luôn cảm thấy mình không đủ và bị ám ảnh bởi nó", nhà tâm lý học chuyên về rối loạn ăn uống và hình thể Ann Kearney-Cooke cho hay.

Ảnh hưởng của chứng bệnh này

Chứng rối loạn hình thể có thể ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực trong cuộc sống người mắc do "họ có xu hướng dành nhiều thời gian và tài chính để làm các thủ thuật thẩm mỹ". Ngoài ra, những người này còn dành rất nhiều thời gian trong ngày để tự ngắm mình trước gương hay chụp ảnh, ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích học tập và làm việc.

leftcenterrightdel
 Người mắc rối loạn hình thể có thể bị ảnh hưởng cuộc sống vì chứng bệnh của mình. Ảnh:Freepik

Durvasula cho biết thêm những người mắc chứng rối loạn hình thể cũng có các hành vi “kiểm tra”, có thể giống như việc dành nhiều thời gian để soi gương và chụp vô số ảnh tự sướng rồi đánh giá chúng.

Người mắc chứng rối loạn này cũng thường tìm kiếm sự an ủi từ những người xung quanh bằng cách hỏi về những điều họ cảm thấy không ổn trên cơ thể.

Các chuyên gia cho biết những người mắc chứng rối loạn hình thể còn có thể tự cô lập bản thân vì xấu hổ hoặc dành quá nhiều thời gian để lo lắng về ngoại hình của mình.

Theo bà Durvasula, chứng rối loạn cơ thể không thể chữa khỏi nhưng vẫn có một số cách hạn chế chứng bệnh này phát triển.

Một phương pháp được nhiều chuyên gia ưa thích là trị liệu hành vi. Lúc này, người mắc chứng rối loạn hình thể sẽ không được soi gương hoặc chụp hình tự sướng quá nhiều.

Bên cạnh đó, họ cũng sẽ làm việc với chuyên gia sức khỏe tâm thần để tìm ra nguyên nhân gây ra rối loạn hình thể.

Một số trường hợp khác, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc chống trầm cảm để hạn chế phát triển chứng rối loạn cơ thể.

Theo zingnews