Đau lưng, đặc biệt là đau vùng thắt lưng là một tình trạng thường gặp. Đau thắt lưng là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây mất khả năng làm việc ở người trưởng thành. Đau thắt lưng có thể kèm hoặc không kèm đau thần kinh tọa.

Nguyên nhân đau thắt lưng

Đau thắt lưng thường có nguyên nhân từ các bệnh lý tại cột sống hoặc cơ và các dây chằng cạnh sống. Trong một số ít trường hợp, đau lưng từ các bệnh lý nội tạng. Hầu hết các trường hợp, đau lưng có nguyên nhân cơ học. Thoái hóa cột sống thắt lưng là nguyên nhân thường gặp nhất của đau lưng kiểu cơ học.

Ngoài đau lưng không đặc hiệu còn gọi là đau lưng vô căn, 85-90% các trường hợp không tìm được vị trí cụ thể. Cường độ đau cũng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Một số trường hợp khởi phát sau chấn thương như nâng vật nặng hoặc cử động xoay vặn người... Ngoài ra, có thể gặp đau thắt lưng do:

- Thoát vị đĩa đệm.

- Trượt đốt sống.

- Hẹp ống sống.

- Tăng tạo xương vô căn.

- U tân sinh.

- Nhiễm trùng, viêm, loãng xương.

Vì sao bị đau thắt lưng? Đau thắt lưng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là lý do thoái hóa do tuổi tác. Ngoài ra còn có những nguyên nhân như:

- Bệnh lý tại cột sống hoặc vùng cơ, dây chằng của vùng cạnh cột sống.

- Bệnh lý đi kèm như tiết niệu, bệnh lý dạ dày, thoát vị đĩa đệm.

- Tập thể dục, thể thao gắng sức, thay đổi động tác đột ngột.

Thông thường, cơn đau thắt lưng sẽ xuất hiện sau khi có tác động. Như sau chấn thương, sau mang vác vật nặng hoặc tác động bên ngoài tới cột sống. Những cơn đau thắt lưng thường có tính cơ học, đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.

Đau thắt lưng là bệnh gì? Khi xuất hiện những cơn đau từ vị trí cột sống, thắt lưng, người bệnh cần đi khám bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân. Tuy nhiên trong một số trường hợp ngồi lâu, ngồi tư thế không đúng, ít vận động, phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt…. cũng gây ra cơn đau thắt lưng. Nếu các cơn đau lưng diễn ra thoáng qua, người bệnh cần tìm được nguyên nhân để xác định đau thắt lưng do yếu tố nào tác động. Khi tìm ra tác động chính gây đau thắt lưng và cải thiện nhưng tình trạng các cơn đau không đỡ, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Chữa đau thắt lưng bằng cách nào

Điều quan trọng trong điều trị đau thắt lưng là tìm được nguyên nhân gây bệnh. Về điều trị, thông thường đau lưng được chia làm 3 nhóm chính gồm đau lưng cấp, đau lưng mạn và hội chứng chèn ép rễ thần kinh

Điều trị đau lưng cấp thường 90% hồi phục trong vòng dưới 8 tuần. Các bài tập lưng không có lợi trong giai đoạn cấp. Bên cạnh đó bệnh nhân bị đau lưng cấp tiếp tục hoạt động, thực hiện các sinh hoạt hàng ngày trong giới hạn đau chịu đựng được.

Hội chứng đau thắt lưng là gì? - Ảnh 2.

Khi lựa chọn các môn thể thao để tập luyện như yoga, gym, pilates... người tập luyện nên có giáo viên hướng dẫn để tránh tổn thương ở vùng cột sống, thắt lưng.

Việc phục hồi chức năng liên chuyên khoa tích cực là nền tảng của điều trị đau lưng mạn. Liệu pháp này giúp cải thiện chức năng và giúp giảm đau ở những bệnh nhân đau lưng mạn. Các dụng cụ hỗ trợ cột sống, bấm huyệt, châm cứu, tập yoga, bơi cũng có lợi trong giảm đau, cải thiện chức năng vận động ở một số bệnh nhân có đau lưng mạn hoặc đau lưng tái phát.

Ngoài ra theo khuyến cáo của Hội thầy thuốc Hoa Kỳ, đối với bệnh nhân đau lưng mạn có thể lựa chọn một số bài tập. Bệnh nhân nên chọn các bài tập lưng, phục hồi chức năng liên chuyên khoa, châm cứu, thiền, thái cực quyền, yoga, bài tập kiểm soát vận động, thư giãn, liệu pháp laser năng lượng thấp. Nếu bệnh nhân không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị không dùng thuốc thầy thuốc có thể cân nhắc dùng thuốc giảm đau cho người bệnh (áp dụng điều trị giảm đau theo bậc).

Đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cũng thường được cải thiện. Một phần ba số bệnh nhân cải thiện đáng kể sau 2 tuần, 75% cải thiện sau 3 tháng. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân phải phẫu thuật.

Triệu chứng hẹp ống sống thường ổn định trong 70% số bệnh nhân, cải thiện 15%, nặng lên trong 15%.

Khoảng 7-10% bệnh nhân tiến triển thành đau mạn tính. Và đây cũng là nguyên nhân gây tăng gánh nặng chi phí cho nền y tế.

Đau thắt lưng được điều trị dựa trên căn nguyên gây bệnh. Bệnh nhân chủ yếu sẽ được dùng các loại thuốc giãn cơ, vật lý trị liệu… tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Trong trường hợp đau lưng do sai tư thế, mang vác vận nặng hoặc do chấn thương tác động đến cột sống, người bệnh cần hạn chế tác động lên vùng thắt lưng. Ngoài ra, nếu điều trị không mà cơn đau của bệnh nhân không đỡ, cần sử dụng các thuốc giảm đau. Lúc này các bác sĩ chuyên khoa sẽ có những chỉ định theo từng bệnh nhân.

Hội chứng đau thắt lưng là gì? - Ảnh 3.

Mang vác vật nặng, vận động sai tư thế có thể gây ra hội chứng đau thắt lưng.

Bên cạnh việc lưu ý chế độ tập luyện, điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Ngoài ra đối với những người lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh đau thắt lưng càng cao. Bệnh nhân cần bổ sung chế độ dinh dưỡng như bổ sung vitamin D, canxi theo chỉ định bác sĩ.

Phòng ngừa đau thắt lưng

Hiện nay có các môn tập như yoga, gym, pilates… đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, khi lựa chọn các bộ môn này, người tập luyện nên có giáo viên hướng dẫn để tránh tổn thương ở vùng cột sống, thắt lưng. Nếu tập luyện không đúng sẽ ảnh hưởng đến tư thế cũng như cột sống.

Bên cạnh đó, để hạn chế các nguy cơ tác động gây đau thắt lưng, chúng ta cần lưu ý:

- Không mang vác vật nặng. Nếu bắt buộc phải mang vác cần dùng đồ bảo hộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận của cơ thể. Đặc biệt không dùng thắt lưng để nâng đồ vật lên.

- Tránh vận động, thay đổi tư thế đột ngột.

- Lựa chọn các môn thể dục thể thao phù hợp với thể trạng cơ thể, tránh tập luyện quá sức.

- Nếu làm việc trong môi trường ngồi lâu, cần đứng lên đi lại, vận động nhẹ khoảng 45-50 phút/lần.

Theo suckhoedoisong.vn