leftcenterrightdel
Quả hồng ngâm. Ảnh minh họa. 

Vì sao phải cẩn trọng khi ăn hồng?

Hàng năm, khi tới mùa hồng ngâm là có không ít trường hợp phải nhập viện do gặp phải vấn đề tiêu hoá. Vào mùa thu năm 2021, Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện E) nhận một bệnh nhân nam 70 tuổi có tiền sử cắt 2/3 dạ dày với biểu hiện tắc ruột. Được biết, trước khi nhập viện vài ngày, bệnh nhân có ăn quả hồng ngâm.

Qua kết quả chụp CT ổ bụng, các bác sĩ phát hiện có một khối bã thức ăn trong ruột bệnh nhân. Sau 2 ngày theo dõi và điều trị không đỡ, bệnh nhân đã được mổ nội soi để đẩy bã thức ăn xuống đại tràng, từ đại tràng khối bã thức ăn được đưa ra ngoài.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết hồng ngâm là loại trái cây ngon và bổ dưỡng. Đây là loại quả có nhiều trong mùa thu và được mọi người yêu thích vì nó có vị ngọt, dễ ăn.

Trong trái hồng cũng có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như mangan, kali, kẽm, đồng và vitamin C, beta-caroten, sắt, kali…

"Dù là một loại quả ngon nhiều dinh dưỡng nhưng không biết ăn lại gây hại cho sức khoẻ. Do trong hồng có nhiều tanin và pectin khiến cho hồng rất chát. Khi ăn nhiều hồng có thể gây ra tình trạng táo bón, khó tiêu hoá, tắc ruột", PGS Lâm nói.

PGS Lâm phân tích thêm khi ăn hồng ngâm một cần phải lưu ý một số vấn đề sau để tránh gây ra rắc rối cho sức khoẻ. Không ăn khi bụng đói do tanin kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày. Những khối kết tủa lưu lại trong đường tiêu hóa có thể gây ra gây tắc nghẽn đường tiêu hóa (tắc ruột).

Người đang có tình trạng táo bón, tiêu hóa kém cũng không nên ăn hồng ngâm nhiều. Chất tanin có thể làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón.

Theo PGS Lâm, hồng cũng là loại quả bác sĩ khuyến cáo người lớn tuổi nên ít ăn vì bộ máy tiêu hóa kém sẽ làm tăng nguy cơ bán tắc hoặc tắc ruột.

Để an toàn khi ăn hồng ngâm, chuyên gia khuyên với người cao tuổi khi ăn hồng nên chọn quả đã chín. Ăn hồng ngâm nên uống nước nhiều để thuận lợi cho quá trình tiêu hoá. Ngoài ra, mọi người cũng nên ăn thêm sữa chua để bổ sung nhiều lợi khuẩn tốt cho sức khoẻ, hạn chế được nguy cơ táo bón.

Nhà khoa học, Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, cho hay hồng là thứ quả ngon của mùa thu tại Việt Nam. Trong mâm cỗ trung thu của mọi nhà đều có quả hồng. Hồng ngâm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện thị lực, ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Trong y học cổ truyền, quả hồng xanh, tai hồng (thị đế), rễ, vỏ cây hồng đều dùng để làm thuốc.

Quả hồng có tác dụng nhuận phế, sinh tân, làm bớt khô háo, tiêu đờm, giảm ho, chặn nôn nấc, chỉ tả.

Quả hồng chín có vị ngọt, chát, tính bình. Quy kinh: Tâm, Phế. Tác dụng: Bổ hư lao, nhuận Tâm, Phế. Chủ trị: Hư lao

Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, người mới cảm gió lạnh, đờm thấp, bụng đầy, sốt rét cơn và các bệnh sau sinh ở phụ nữ không nên ăn hồng.

Để chọn hồng ngon chuyên gia lưu ý:

Đối với hồng giòn (hồng ngâm) nên chọn quả già thì sẽ ngọt và giòn hơn. Hồng mua về bọc vào bao nylon cột kín lại, bỏ vào thùng nước, ngâm khoảng 7 - 8 ngày vớt ra ăn.

Đối với hồng đỏ, chọn quả chín cầm mềm tay sẽ ít vị chát, nhiều nước. Khi mua hồng về nên bảo quản cẩn thận, không để bị dập, xước phần vỏ.

Ngọc Minh