Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 liên tục đạt kỷ lục tại Hy Lạp

Hy Lạp phong tỏa toàn quốc vì COVID-19

Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết ông buộc phải hành động sau khi số bệnh nhân tăng đột biến trong 5 ngày qua, đồng thời cho rằng nếu không áp đặt phong tỏa, hệ thống y tế sẽ không thể chịu nổi.

Các quan chức cho biết trong tuần qua đã tăng 20% số ca nhiễm mới được xác nhận. Kể từ ngày 9/11, những ai đến Hy Lạp bằng đường hàng không đều bị yêu cầu đưa ra các bằng chứng về xét nghiệm virus âm tính, được thực hiện trong vòng 48 giờ kể từ lúc di chuyển.

Theo các hạn chế mới trên toàn quốc, có hiệu lực từ ngày 7/11, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ đóng cửa, ngoại trừ siêu thị và hiệu thuốc. Các trường tiểu học sẽ vẫn mở, nhưng các trường trung học sẽ tạm ngừng hoạt động.

Hy Lạp đã ghi nhận 2.917 ca nhiễm mới vào ngày 5/11, mức tăng hằng ngày cao nhất kể từ dịch bệnh bắt đầu bùng phát.

Đại dịch đẩy người nghèo ở Tây Ban Nha rơi vào tình trạng kiệt quệ

Hầu hết các gia đình có thu nhập thấp trên khắp thế giới đang gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất trong mùa dịch COVID-19. Tại Tây Ban Nha, tình hình diễn ra còn tồi tệ hơn khi phần lớn hộ nghèo của nước này thường làm việc trong các ngành bị thiệt hại nặng như du lịch, dịch vụ… kèm theo đó họ cũng không được nhận nhiều phúc lợi xã hội.

Carlos Susías, chủ tịch của Mạng lưới chống đói nghèo châu Âu, cho biết: “Đại dịch đang lan rộng và gia tăng tình trạng nghèo đói ở một quốc gia vốn đã có vấn đề bất bình đẳng nghiêm trọng”. Ông nói thêm, chi tiêu phúc lợi không đầy đủ, thiếu khả năng tiếp cận công nghệ và sự bùng phát của đại dịch có khả năng nới rộng khoảng cách giàu nghèo trên toàn cầu.

Những gia đình có thu nhập thấp tại Tây Ban Nha rơi vào tình trạng kiệt quệ vì COVID-19

Ở Tây Ban Nha, hơn 38.000 người đã chết và gần 1,3 triệu người nhiễm SARS-CoV-2, mặc dù con số lây nhiễm thực tế có thể còn cao hơn gấp ba lần so với số lượng được báo cáo. Dịch bệnh lây lan nhanh hơn ở các khu dân cư đông đúc, nơi sinh sống chủ yếu của tầng lớp nhân dân lao động như Vallecas, vùng phía nam Madrid.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến nền kinh tế Tây Ban Nha sẽ giảm 12,8% trong năm nay, mức giảm tồi tệ nhất trong số các nước phát triển. 

Đại dịch bùng phát đã làm ngưng trệ hầu hết các chuyến du lịch toàn cầu, khiến 1 triệu người mất việc làm ở Tây Ban Nha và tỷ lệ thất nghiệp đạt 16,3% vào tháng 9. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức trung bình ở EU hoặc Mỹ.

Chính phủ Tây Ban Nha đã hỗ trợ tiền lương cho khoảng 3,4 triệu công nhân, Thủ tướng Pedro Sánchez cũng có kế hoạch tái kích hoạt "tiến bộ" nền kinh tế chủ yếu dựa vào hàng tỷ euro từ EU.

Số ca mắc COVID-19 tăng đột biến tại Mỹ

Hàng chục bang của Mỹ đã báo cáo số ca mắc COVID-19 tăng kỷ lục trong ngày 5/11. Theo thống kê của Reuters, dịch bệnh đang lan rộng trên toàn quốc nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng Trung Tây Mỹ.

Bang Illinois đã ghi nhận gần 10.000 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, trong khi đó, Texas cũng đang dẫn đầu quốc gia về số bệnh nhân trong bảy ngày qua.

Các bang miền Trung Tây khác có số ca nhiễm virus tăng kỷ lục gồm: Indiana, Iowa, Minnesota, Missouri, North Dakota, Ohio…

Một số thành phố và tiểu bang đã công bố các biện pháp mới như lệnh giới nghiêm hoặc giảm quy mô tụ tập để chống lại sự lây lan nhanh của virus nhưng hiện Mỹ vẫn chưa có hành động nào ở cấp liên bang. 

Bên cạnh đó, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện cũng đã tăng lên hơn 52.500 người trong ngày 5/11, tăng ngày thứ 11 liên tiếp và tiến gần hơn đến kỷ lục 58.370 vào tháng 7. Mỹ xác nhận trung bình 850 người chết mỗi ngày, tăng hơn so với mức 700 người vào tháng trước.

Theo phunuonline