Nghiên cứu do giáo sư Perry Bartlett và tiến sĩ Daniel Blackmore từ Viện Não, Đại học Queensland (Úc) dẫn đầu, đã theo dõi một nhóm lớn các tình nguyện viên khỏe mạnh từ 65 - 85 tuổi, tham gia chương trình tập thể dục kéo dài 6 tháng, theo chuyên trang y tế Medical Express.
Những người tham gia không bị suy giảm nhận thức ngay từ đầu, được xét nghiệm máu, kiểm tra nhận thức và chụp MRI phân giải cao cấu trúc não.
Sau 5 năm theo dõi, kết quả cho thấy tập luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT) đã làm được điều kỳ diệu là cải thiện chức năng nhận thức, tác dụng kéo dài đến 5 năm.
Bài tập HIIT trong thử nghiệm gồm 4 chu kỳ chạy trên máy chạy bộ ở mức gắng sức gần như tối đa. Giống như chạy nước rút trong thời gian ngắn, sau đó hít thở và lặp lại. Bài tập này đẩy cơ thể đến giới hạn nhưng chỉ trong thời gian ngắn, giúp dễ kiểm soát hơn.
Tiến sĩ Blackmore cho biết: Kết quả chụp MRI độ phân giải cao cho thấy nhóm tập HIIT đã có những thay đổi về cấu trúc và khả năng kết nối ở vùng hải mã, khu vực chịu trách nhiệm về học tập và trí nhớ.
Đồng thời các dấu hiệu trong máu cũng thay đổi cho thấy sự cải thiện về nhận thức.
Tiến sĩ Blackmore nói: Chúng tôi đã theo dõi những người tham gia nghiên cứu 5 năm sau khi chương trình kết thúc và thật đáng kinh ngạc là họ vẫn cải thiện được khả năng nhận thức, ngay cả khi không còn theo kịp các bài tập HIIT.
Ông Blackmore cho biết tác động của nghiên cứu này là rất sâu rộng vì chứng mất trí nhớ là vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi.
Giáo sư Bartlett cho biết: Chỉ cần tập luyện cường độ cao trong 6 tháng là đủ để kích hoạt tế bào gốc và tăng sản xuất tế bào thần kinh ở vùng hải mã. Khu vực này rất quan trọng cho việc học tập và trí nhớ, vì vậy việc tăng cường nó có thể có tác động lớn đến khả năng nhận thức tổng thể, theo Medical Express.
Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nhưng kết quả cho thấy không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tập thể dục nhằm tăng cường sức khỏe não bộ.
Bài tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT) là gì?
Bài tập HIIT đòi hỏi tập với cường độ rất cao, xen kẽ là những khoảng thời gian tập chậm lại để lấy sức.
Trong đó, tập gần như hết sức trong vòng 30 giây, khiến nhịp tim tăng lên. Sau đó là 90 giây tập chậm lại hoặc đi bộ, vận động nhẹ nhàng, chậm rãi.
Các bài tập HIIT có thể bao gồm máy chạy bộ, bài tập dùng trọng lượng cơ thể hoặc nhảy dây.
Theo Thanh niên