Đãi ngộ hấp dẫn 

Những năm gần đây, các tập đoàn Hàn Quốc không ngừng mở rộng chương trình khuyến khích sinh sản để giúp nâng cao tỉ lệ sinh thấp kỷ lục của đất nước. Hôm 22/2, nhà sản xuất đồ lót Ssangbangwool thông báo sẽ hỗ trợ lên tới 100 triệu won (1,8 tỉ đồng) cho những nhân viên đang mang thai. Theo đó, nhân viên sẽ nhận 30 triệu won cho đứa con đầu lòng, 30 triệu won cho đứa thứ hai và 40 triệu won cho con thứ ba. Công ty cho biết thêm, họ sẽ hỗ trợ tới 3 triệu won cho những nhân viên cần thụ tinh trong ống nghiệm. “Tỉ lệ sinh thấp là vấn đề quan trọng mà xã hội phải vượt qua. Công ty sẽ chịu trách nhiệm và nỗ lực hết sức để giúp đất nước tăng tỉ lệ sinh” - người phát ngôn của Ssangbangwool cho biết. Công ty xây dựng Booyoung Group, trụ sở tại thủ đô Seoul, hồi đầu tháng Hai cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho nhân viên 100 triệu won cho mỗi lần sinh con. Ngoài ra, công ty cũng đã chuyển tổng cộng 7 tỉ won cho 70 nhân viên có 1 con trở lên, kể từ tháng 1/2021.

leftcenterrightdel
 Con em của nhân viên công ty HD Hyundai chơi đùa cùng các giáo viên tại trung tâm giữ trẻ Dream Boat của công ty ở thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc vào năm 2023, theo một sáng kiến nhằm giúp nhân viên an tâm làm việc khi có thêm con - Nguồn ảnh: HD Hyundai/Korea Times

Vào năm 2023, Trip.com của Trung Quốc - một trong những công ty du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới - đã giới thiệu các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em mới trị giá 1 tỉ nhân dân tệ (hơn 3.400 tỉ đồng) để khuyến khích 32.000 nhân viên sinh con. Những người làm việc cho công ty ít nhất 3 năm sẽ nhận được tiền thưởng hằng năm là 10.000 nhân dân tệ cho mỗi đứa trẻ mới sinh, kể từ sinh nhật đầu tiên cho đến khi chúng được 5 tuổi. Chủ tịch điều hành Trip.com James Liang cho biết: “Thông qua việc giới thiệu phúc lợi chăm sóc trẻ em, chúng tôi mong muốn cung cấp hỗ trợ tài chính để khuyến khích nhân viên bắt đầu hoặc phát triển gia đình mà không ảnh hưởng đến các mục tiêu và thành tích nghề nghiệp của họ”. Các sáng kiến tương tự cũng được một số công ty nhỏ hơn của Trung Quốc áp dụng giữa lúc đất nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Ví dụ, Beijing Dabeinong Technology - công ty nông nghiệp tại Bắc Kinh và QiaoYin City Management - công ty dịch vụ vệ sinh đô thị tại Quảng Đông sẽ thưởng từ 90.000-100.000 nhân dân tệ cho nhân viên sinh con thứ ba.

Cần hành động nhiều hơn

Theo Cục thuế Hàn Quốc, chỉ có 2,3% nhân viên trong nước nhận được hỗ trợ tài chính từ các chương trình khuyến khích sinh con của công ty họ. Một nhân viên nhân sự của một tập đoàn địa phương cho biết: “Các chương trình khuyến khích sinh sản của các công ty cung cấp một số trợ giúp tài chính, nhưng chúng sẽ không có tác động lớn đến việc thúc đẩy tỉ lệ sinh của đất nước, vì chỉ một số ít nhân viên được hưởng lợi”. Tại Nhật Bản, hơn 1 năm đã trôi qua kể từ khi Thủ tướng Fumio Kishida công bố “các biện pháp chưa từng có” nhằm giải quyết tỉ lệ sinh thấp của quốc gia. Nhóm chính sách này phần nào giúp người dân hiểu hơn về những phúc lợi liên quan đến việc sinh con. Một bà mẹ 37 tuổi làm việc ở Tokyo chia sẻ: cô hầu như phải một mình nuôi 2 con gái nhỏ. Chồng cô, làm việc trong lĩnh vực tài chính, thường xuyên “đến văn phòng trên chuyến tàu đầu tiên và về nhà trên chuyến tàu cuối cùng trong ngày”. Tương tự, một người mẹ 38 tuổi, làm nhân viên văn phòng ở tỉnh Kanagawa cho biết, người chồng kỹ sư của cô từng "làm việc muộn và tăng ca vào cuối tuần" khi đứa con đầu lòng của họ mới chập chững biết đi khoảng 10 năm trước. Lúc đó cô cũng là kỹ sư, nhưng đã phải từ bỏ công việc mình yêu thích để chăm con.

Tất nhiên, hầu hết các ông chồng không tự nguyện làm thêm giờ. Một người cha, 38 tuổi, ở Tokyo, cho biết: anh đã chọn nghỉ phép 9 tháng vào năm 2022 để chăm sóc đứa con mới sinh và cố gắng làm việc ít giờ nhất có thể kể từ đó. Kết quả, 2 đồng nghiệp cấp dưới của anh đã được thăng tiến sớm hơn, trong khi anh vẫn giữ nguyên vị trí. Haruka Shibata - một người cha 45 tuổi có 3 cô con gái và là giáo sư xã hội học tại Đại học Kyoto - cho rằng, Nhật Bản nên ưu tiên áp dụng phong cách làm việc linh hoạt hơn để giải quyết tình trạng tỉ lệ sinh giảm. Ông Shibata trích dẫn nghiên cứu cho thấy, ở các nước vùng Scandinavia và Pháp - những nơi có sự hỗ trợ rộng rãi cho phụ huynh như hệ thống giờ làm việc linh hoạt và nghỉ phép có lương - mức độ hạnh phúc của người lao động tương đối cao và không giảm ngay cả sau khi họ có con. Ikuko Higuchi - biên tập viên mục Phong cách sống của tờ The Yomiuri Shimbun - nhận định: các công ty cần suy nghĩ nhiều hơn về lợi ích của chính sách khuyến sinh. Sự sụt giảm dân số trẻ hiện đã có tác động đáng kể đối với hoạt động của doanh nghiệp, chẳng hạn như tình trạng thiếu lao động và sẽ dẫn đến trì trệ kinh tế, thu hẹp thị trường trong tương lai. Bà Higuchi kết luận: “Có nhiều lý do chính đáng để các công ty nỗ lực giải quyết tỉ lệ sinh đang giảm”. 

Theo phụ nữ TPHCM