leftcenterrightdel
 Liên tục đòi chữa lành có cần thiết. Ảnh minh họa (Freepik).

Cụm từ chữa lành đã len lỏi trong từng ngóc ngách của cuộc sống, từ lứa tuổi trung niên tới người trẻ. Nhiều người đang bỏ tiền mua các khóa chữa lành như đi du lịch trải nghiệm, tham gia các khóa thiền ngắn hạn, xem bài tarot, bỏ phố về quê...

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện - Phó Giám đốc Chương trình Tâm lý học Đại học Hoa Sen (TPHCM) - cho biết, giới trẻ ngày nay thích đi chữa lành. Nếu nhìn ở góc độ tích cực, họ có cơ hội chăm sóc sức khoẻ tinh thần và quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề tâm trí. Theo ông Thiện, với chấn thương thể chất hoặc bệnh tật, việc chữa lành bao gồm việc phục hồi hoặc thay thế các tế bào, mô ở những vùng tổn thương.

Trong tâm lý, chữa lành có thể hiểu là việc một người phục hồi sau những sang chấn tâm trí. Điển hình như việc rối loạn căng thẳng sau chấn thương là một chứng rối loạn khuyết tật phát triển sau khi trải qua một sự kiện đau thương. Rối loạn này đặc trưng bởi những suy nghĩ xâm nhập, ác mộng và hồi tưởng, tránh nhắc nhở về chấn thương; nhận thức và tâm trạng tiêu cực, tăng cảnh giác và rối loạn giấc ngủ.

“Con người ai cũng sẽ ít nhiều chịu các sang chấn, tổn thương tâm trí trong quá trình lớn lên, phát triển từ các mối quan hệ với cha mẹ, bạn bè, người yêu… Nên một lúc nào đó chúng ta cần chữa lành là hết sức bình thường. Nhưng khi thuật ngữ này bị lạm dụng thì lại cần lưu ý” - thạc sĩ Thiện nói.

Tâm trí chúng ta có khả năng tự phục hồi và mỗi người đều sẵn có sức bật tinh thần, nên sau khi tổn thương chúng ta có xu hướng tự lành. Trong một số trường hợp, khi sang chấn quá lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tinh thần, khiến chúng ta không thể tự phục hồi. Khi đó, bệnh nhân cần các nhà chuyên môn như tâm lý lâm sàng, tham vấn tâm lý, bác sĩ tâm thần… đồng hành và trợ giúp.

leftcenterrightdel
 Cơ thể chúng ta có xu hướng tự chữa lành những tác động tiêu cực (ảnh minh họa)

Bác sĩ tâm lý học lâm sàng Nguyễn Hồng Bách (thành viên Hội Tâm lý học Việt Nam) cho rằng nhiều người cảm thấy căng thẳng, áp lực, những cảm xúc cáu giận, buồn bã trong các mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp và họ tìm cách chữa lành. Thực ra, đó là nhân sinh ở đời, theo cơ chế sinh lý, những sang chấn này tự lành, không cần tốn tiền đi chữa. Ông Bách cho biết, chúng ta cần phân biệt những sang chấn trong cuộc sống, những stress hàng ngày có phải là trầm cảm hay không.

Thực tế, nhiều người mải mê đi chữa lành, bỏ bê công việc, gia đình. Có người khi mới đi chữa lành về họ thấy vui hơn, nhưng trở lại đời thường họ lại tiếp tục u uất và tiếp tục phải chữa lành. Còn người thậm chí vay tiền để tham dự các khóa chữa lành. Nếu người đi chữa lành rơi vào trạng thái “nghiện”, ảnh hưởng tới cuộc sống khi đó cần gặp bác sĩ tâm thần để được hỗ trợ.

Trên mạng xã hội hiện nở rộ các khóa chữa lành, coaching về cuộc sống, thạc sĩ Thiện cho rằng các khoá học cần phải đặt trên nền tảng khoa học của tâm lý học để trị liệu, tuân thủ đạo đức hành nghề, tránh tình trạng "chữa lợn lành thành lợn què". Một tổn thương được khơi gợi nhưng không được chăm sóc tốt có khi còn tồi tệ hơn trước.

Stress là trạng thái bình thường của con người và có lúc trở thành động lực để chúng ta hoàn tất các mục tiêu. Khi stress, bạn không cần vội vàng chữa lành. Nếu stress kéo dài gây ảnh hưởng đến cảm xúc như bạn cảm thấy đau buồn, lo sợ, tức giận… trong suy nghĩ xuất hiện điều tiêu cực, tồi tệ, cảm thấy mất giá trị bản thân, hành vi trở nên cáu gắt, gây hấn hoặc thụ động, hay các hành vi tự hại… cần đến các cơ sở chăm sóc sức khoẻ tinh thần như bệnh viện tâm thần, trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý để được trợ giúp.

Thay vì theo đuổi các khóa chữa lành trên mạng theo quảng cáo hay lời đồn thổi, các chuyên gia khuyên nên an định tâm trí bằng các biện pháp như đọc sách, nghe nhạc, tập thể dục, tham gia hoạt động xã hội...

Theo phụ nữ TPHCM