Đọc tin cô gái tử vong trên sofa đến gần 2 năm mới phát hiện, câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra là: người thân, bạn bè, hàng xóm của cô ấy đâu? Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh mối quan hệ bạn bè. Ở lứa tuổi của cô gái, có khi người ta thờ ơ với gia đình, nhưng thường sẽ gắn kết với bạn bè chứ?

Tôi không hình dung một cuộc đời đơn độc đến độ mất đi không ai biết. Sao đau lòng quá!
leftcenterrightdel
 Mong rằng mỗi người đều có những tình thân bên cạnh, để đồng hành cùng nhau trong cuộc đời này (ảnh minh họa)

 

Chúng bạn tôi cùng lứa thế hệ 8X, chơi với nhau từ khi còn học cấp III đến giờ, ngót nghét 30 năm. Thỉnh thoảng lại giới thiệu nhau với người thứ 3 rằng: “Bạn tui đó, chơi lâu đến phát chán”. Rồi quay qua trêu đùa nhau: “Người yêu thì chịu đổi, sao bạn bè chơi dai quá”...

Nói vậy, nhưng ai nghe cũng biết là thân lắm mới trêu đùa nhau mà không sợ bị giận. Chúng tôi có group riêng, ngày nào cũng í ới gọi nhau, chia sẻ chuyện nọ chuyện kia. Khi gặp khó khăn, chuyện của 1 người sẽ thành chuyện chung.

Cũng vì gọi nhau mỗi ngày trên mạng, nên chỉ cần đứa nào “im hơi lặng tiếng”, không thấy nhắn tin trên group vài ngày là trong nhóm sẽ có người gọi ngay. Khi nghe được giọng mới an tâm là người ấy đang ổn. Có lẽ sau khi trải qua mùa dịch COVID-19, mỗi người càng thấy sự mong manh của phận người.

Hết dịch, nhưng ngày càng nhiều những chứng bệnh nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng bất cứ người nào, độ tuổi nào, nên chúng tôi càng quan tâm đến nhau nhiều hơn.

Vậy nên tốt nhất cứ gọi nhau mỗi ngày, cập nhật với nhau cả những chuyện chi tiết nhất như là ăn uống, ngủ nghỉ, một vài triệu chứng khó chịu… Không phải là than thở hay tỏa ra năng lượng tiêu cực, chỉ để cùng lắng nghe nhau, theo sát nhau. Tôi nghĩ điều đó không thừa đâu.

Hôm trước tôi cũng nhập viện vì chứng khó thở và khó chịu ở đường ruột. Diễn biến rất nhanh, chỉ vài giây trước thấy bất ổn, tôi còn nghĩ xem mình phải thay chiếc váy nào nếu phải nhập viện, vậy mà tích tắc sau đã nằm sõng soài trên nền nhà do chứng hạ kali, cũng may có người ở nhà phát hiện kịp.

Trong đợt điều trị, tôi không muốn để người nhà biết, chỉ thêm lo. Nhưng một đứa cháu của tôi cũng có thói quen gọi nhau qua tin nhắn, cháu nhắn đến lần thứ 3 không thấy tôi trả lời thì tá hỏa chạy lên nhà và hay tin tôi đã nhập viện.

Trong lúc ngủ đêm lại bệnh viện cùng tôi, cháu rỉ rả tâm sự rằng, nhiều khi nhắn tin chẳng nhằm mục đích nội dung tin nhắn, chỉ là muốn nhìn thấy tin nhắn hồi đáp, để biết tôi còn khỏe mạnh.

Đọc thông tin cô gái trẻ mất quá lâu mới được phát hiện, tôi hoài nghi về sự kết nối của của con người với những mối quan hệ xung quanh, không riêng gì với cô gái ấy. Ở chung cư tôi đang sống, có những người trẻ đến thuê ở và đi làm mỗi ngày. Thỉnh thoảng tôi có dịp chạm mặt họ trên lối hành lang, tôi chủ động mỉm cười chào, nhưng tôi không hiểu tại sao những gương mặt rất trẻ ấy lại trơ lạnh, không kết nối.

Cháu tôi thuộc thế hệ Gen Z, cháu chia sẻ rằng cháu không có bạn, đi làm thì có đồng nghiệp đấy, nhưng ra khỏi cổng là chẳng ai muốn chơi với ai. Bản thân cháu trở về nhà cũng chỉ có chú Cún là bạn. Hỏi cháu sống không bạn bè vậy có buồn không, cháu lắc đầu. Cháu thích thu mình về thế giới của mình, để an toàn và bình yên. Mọi thứ xung quanh cháu không muốn quan tâm, bận tâm làm gì.

Không hiểu vì đâu con người ngày càng ít sẻ chia với nhau, ít mở lòng với nhau, kể cho nhau nghe những điều bé mọn trong cuộc sống, như thế hệ của tôi. Đó có phải là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, những khóa học chữa lành?

Ở trong bệnh viện, những lúc khỏe, tôi và những người cùng phòng vẫn hỏi han, trò chuyện cùng nhau. Đó là những mối quan hệ chỉ gặp nhau ngắn ngủi ở không gian không mong đợi ấy, nhưng ít nhiều cũng sẻ chia cùng nhau, dăm ba câu chuyện để ngày bớt dài, cũng tốt.

Nghĩ lại, tôi thấy biết ơn sự gắn kết của những người thân, bạn bè chung quanh mình. Mong cho mọi người đều sẽ có ai đó ở bên cạnh, để không một ai chơi vơi cô độc giữa thế giới hơn 8 tỷ người này.

Theo phụ nữ TPHCM