Một số trường học sẽ phải đóng cửa
Nghiên cứu mới từ Economic Innovation Group (Mỹ) cho thấy: kể từ năm 2020, số lượng trẻ dưới 5 tuổi đã giảm ở 2/3 số quận trên toàn nước Mỹ, nhiều nhất là các quận đô thị lớn. Dù tình trạng này chậm lại sau đại dịch nhưng vẫn diễn ra trên diện rộng. Cụ thể, từ năm 2020, số trẻ dưới 5 tuổi ở TP New York đã giảm 18,3%; San Francisco đã giảm 15,4% và quận Cook, bang Illinois giảm 14,6%. Điều này dẫn đến một số trường học sẽ phải đóng cửa, nhiều dịch vụ dành cho trẻ em cũng phải cắt giảm.
|
Trẻ em chuẩn bị món bánh gạo tại một trung tâm chăm sóc trẻ em ở quận Songpa, Seoul, Hàn Quốc - Nguồn ảnh: Yonhap |
Một số tỉnh của Trung Quốc đang giảm tuyển giáo viên vì số trẻ em đi học giảm. Angels Kindergarten - một trường mẫu giáo tư thục ở vùng ngoại ô phía tây Thượng Hải - từng tự hào có 16 phòng học, 2 sân chơi lớn, đội ngũ y tế riêng và giáo viên nước ngoài cho chương trình giảng dạy song ngữ. Tuy nhiên trường đã phải ngừng hoạt động từ mùa hè năm 2024.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, từ năm 2021-2023, số trường mầm non đã giảm khoảng 20.000. Số lượng trẻ em đăng ký học mầm non giảm 5 triệu trẻ vào năm 2023, còn tổng cộng 40,92 triệu trẻ - con số thấp nhất kể từ năm 2014. Ngay cả sau khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách 1 con vào năm 2016, tỉ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm trong 7 năm liên tiếp, dân số cũng giảm trong 2 năm qua.
Có sự khác biệt đáng kể giữa khu vực thành thị và nông thôn khi phụ nữ ở thành thị có tổng tỉ suất sinh giảm xuống dưới 1,5 trong một số năm, trong khi phụ nữ ở khu vực nông thôn có tỉ suất sinh trên 1,8.
Tập trung khuyến sinh cho vùng đô thị
Các nhà phân tích tại Trung tâm Đông - Tây - một tổ chức nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Mỹ - cho biết trên Tạp chí Time: tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống giúp làm giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em và các cặp vợ chồng cũng sinh ít con hơn. Cơ hội giáo dục và nghề nghiệp cũng đưa phụ nữ ra khỏi các vai trò truyền thống như nội trợ và làm mẹ. Theo Ayo Wahlberg - giáo sư nhân chủng học tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) - cả nam giới và phụ nữ hiện nay làm việc nhiều giờ hơn so với trước đây. Vì vậy, họ có ít thời gian và năng lượng để dành cho việc chăm sóc trẻ em.
Ông Wahlberg lấy ví dụ về “hệ thống 996” ở Trung Quốc. Theo đó, một số công ty yêu cầu mọi người làm việc từ 9g sáng đến 9g tối, 6 ngày/tuần. Mary Meng - nhân viên tại một công ty công nghệ ở Thượng Hải (Trung Quốc) - nói: “Áp lực công việc lớn đến mức bạn thậm chí không có thời gian dành cho con mình”. Ông Wahlberg cũng chỉ ra: ở nhiều quốc gia, gánh nặng việc nhà và chăm sóc trẻ em đè nặng lên phụ nữ hơn nam giới.
Ngoài ra, phụ nữ phải chịu sự phân biệt đối xử dựa trên tình trạng thai sản tại nơi làm việc. Nhiều nơi tại Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra “xã hội thân thiện với sinh nở”, bao gồm việc giảm chi phí nuôi dạy con cái và giáo dục, đồng thời kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ. Kế hoạch cũng đề xuất mở rộng dịch vụ chăm sóc y tế cho bà mẹ và trẻ em, tăng mức miễn thuế cho cha mẹ.
Tại hội nghị Bloomberg CityLab ở TP Mexico vào tháng Mười, Thị trưởng TP Seongnam (Hàn Quốc) Shin Sang-jin đã giới thiệu chương trình mai mối đặc trưng của thành phố mình, có tên “Solomon’s Choice”.
Chương trình này ra đời nhằm đối phó với tỉ lệ sinh liên tục giảm ở xứ sở kim chi, đạt mức thấp kỷ lục - 0,72 trẻ/phụ nữ vào năm 2023.
Ông Shin nói: “Ở Hàn Quốc, các chuẩn mực văn hóa gắn chặt việc có con với hôn nhân. Vì vậy, Seongnam đang thực hiện từng bước để giải quyết vấn đề tìm kiếm tình yêu trong môi trường đô thị. Tôi tin rằng, tình yêu là gốc rễ của nhiều chính sách làm giàu cho các thành phố, củng cố mối quan hệ giữa các thành phố, quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng”.
Theo phụ nữ TPHCM