Hết thuốc, các cơn đau lại kéo đến

2 năm trước, chị T.T.K.D. (35 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) bị đau ở cổ, vai, gáy. Ban đầu, chị chỉ bị đau râm ran thoáng qua. Dần dần, các cơn đau kéo đến nhiều hơn rất khó chịu, chị đã tự đi mua thuốc uống. Tuy nhiên, bệnh cứ tái đi tái lại suốt hơn 1 năm, có khi cảm giác vừa nhức vừa mỏi, có khi căng cứng cơ, lúc thì đau nhói không thể làm việc gì. Mỗi lần như vậy chị phải uống thuốc và nghỉ ngơi nhiều ngày. Theo chị D., bác sĩ yêu cầu hạn chế ngồi máy tính, đi xe máy… Tuy nhiên, công việc của chị lại gắn liền với những vận động này nên chị chỉ có thể cố gắng chịu đau nhức chứ không thể nghỉ ngơi được. Cứ làm việc, rồi đi bệnh viện khiến chị rất mệt mỏi. 

“Gần đây, tần suất đau cổ, vai nặng nề hơn, đau liên tục khó có thể chạy xe đi làm. Thậm chí, tôi không thể đưa tay lên chải tóc hoặc cài nút áo. Tôi đã đi khám, điều trị nhiều nơi nhưng bác sĩ cũng vẫn cho thuốc và chỉ định tập thể dục để giảm đau nhức chứ không thể điều trị triệt để”, chị D. chia sẻ. Sau khi thăm khám cho chị D., bác sĩ Calvin Q Trịnh - Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp Bệnh viện 1A - cho biết, chị D. bị mất cân bằng cơ thân trên, vai tròn xệ và xương bả vai xoay trước gây biến chứng chèn ép mỏm cùng vai lên gân cơ gai trên, viêm gân cơ chóp xoay làm cho chị bị đau tái đi tái lại trong thời gian dài. 

 
Bác sĩ đã hướng dẫn cho chị D. các bài tập trị liệu nhằm làm giảm áp lực lên các cơ đang tổn thương, lấy lại cân bằng cơ, tránh tác động chèn ép. Sau 3 buổi tập, các cơn đau cổ, vai, gáy của chị D. đã giảm đáng kể, chị không còn bị đau tê tay khi lái xe, cũng như ngồi làm việc.

Tương tự, anh N.H.P. (42 tuổi, ở TPHCM) làm việc văn phòng nên phải ngồi lâu và chấp nhận “sống chung” với những cơn gồng cơ, căng cứng cổ, đau nhiều giữa 2 xương bả vai nếu ngồi liên tục hơn 1 tiếng đồng hồ. Khi đau không thể chịu nổi, anh tới các phòng khám để lấy thuốc uống nhưng chỉ đỡ được một thời gian ngắn đã đau buốt trở lại. Anh P. chia sẻ: “Mỗi khi đau nhức, tôi rất khó để tập trung làm việc. Mặc dù tôi có tập gym, tự điều trị theo các clip ngắn do bác sĩ hướng dẫn trên mạng xã hội nhưng vẫn không có kết quả như mong muốn nên phần lớn tôi uống thuốc giảm đau là chính. Lần này, bác sĩ chẩn đoán tôi bị mất cân bằng cơ thân trên, các cơ vùng trước ngực, co kéo nhóm cơ sau vai làm lệch xương, bả vai xoay ngoài và xoay trước, phải điều trị tích cực mới có thể kiểm soát được căng, co kéo cơ”.

 

Mắc đau cổ vai gáy nặng không chỉ gây các cơn đau dai dẳng mà người bệnh còn bị lệch vẹo, dáng xấu (trong ảnh: Người bệnh đi khám đau cổ vai gáy, lệch vẹo cột sống tại Bệnh viện 1A) - ẢNH: BÁC SĨ CUNG CẤP
Mắc đau cổ vai gáy nặng không chỉ gây các cơn đau dai dẳng mà người bệnh còn bị lệch vẹo, dáng xấu (trong ảnh: Người bệnh đi khám đau cổ vai gáy, lệch vẹo cột sống tại Bệnh viện 1A) - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

 

Đau cổ vai gáy có thể điều trị triệt để

Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, ngày càng có nhiều người bị đau cổ vai gáy trong thời gian dài. Hầu hết bệnh nhân chấp nhận sử dụng thuốc giảm đau để điều trị, nhưng cứ hết thuốc, các cơn đau lại kéo đến. Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng cơ vùng cổ vai gáy co cứng, căng mỏi gây đau nhức như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ, thiểu năng vành, u đỉnh phổi… Phổ biến nhất có thể do bệnh nhân mắc hội chứng chéo trên từ việc ngồi quá nhiều, sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh thường xuyên, người làm việc nặng, kèm theo các hạn chế vận động các khớp cột sống cổ hoặc vai. 

“Bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp, thần kinh và mạch máu vùng cổ vai gáy. Quan sát từ người bệnh có thể thấy các điểm chung như đầu nhô về trước khỏi trục cơ thể, cổ nghiêng về trước mất đường cong sinh lý cột sống cổ, vai tròn xệ, bờ vai cong ra trước, ngực hõm vào, lưng gù. Các nhóm cơ phải co kéo để điều chỉnh cơ thể phù hợp với thói quen, tư thế làm việc và sinh hoạt hằng ngày, gây ra sự mất cân bằng giữa các nhóm cơ vùng thân trên và đầu cổ”, bác sĩ Calvin Q Trịnh giải thích. Sự tăng co quá mức của nhóm cơ trước ngực có thể làm cho khoang lồng ngực bị bó hẹp, dẫn đến dễ mệt mỏi, cảm giác thiếu khí, khó thở, đôi khi khó thở lúc đứng và ngồi.

Hơn nữa, khi một người bị mất cân bằng cơ nặng, sẽ bị chèn ép mỏm cùng vai, khiến bệnh nhân không thể giơ cao tay. Trầm trọng có thể gây biến chứng đứt gân cơ trên gai, chèn ép đám rối thần kinh cánh tay làm đau dọc theo cánh tay, tê bì ở các ngón tay.

“Một số dữ liệu cho thấy, khi trọng lực của đầu không cân bằng, kết hợp chiều dài cột sống cổ sẽ tạo thành thế đòn bẩy, các cơ vùng cổ có khi người bệnh phải chịu 1 lực lên tới 27kg kéo căng các cơ vô cùng nghiêm trọng”, bác sĩ Calvin Q Trịnh nói thêm. 

Đa số người bệnh thường thiếu kiên nhẫn, đi khám và điều trị nhiều nơi nên không được sự theo dõi, chăm sóc bệnh chặt chẽ. Đôi khi bác sĩ chẩn đoán không sai nhưng do sự mất cân bằng gây nhiều tổn thương mới. Dựa trên chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ kết luận chung chung là thoái hóa cột sống cổ (nếu không bị thoát vị đĩa đệm), hướng điều trị dừng lại ở việc cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau, dãn cơ hay các phương pháp vật lý nhiệt giúp dãn cơ, trong khi đó sự mất cân bằng giữa các nhóm cơ, lệch vẹo vẫn còn. Vì vậy, bệnh nhân chưa được điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh mà chỉ được tập luyện, uống thuốc chữa trị các cơn đau ở “bề nổi”. Thế nên bệnh tái đi tái lại suốt nhiều năm.

Bác sĩ Calvin Q Trịnh phân tích, bệnh nhân cần phải thay đổi thói quen, hiệu chỉnh tư thế xấu qua các bài tập tại nhà giúp lấy lại cân bằng cho cổ, vai, gáy. Chỉ cần tập luyện chăm chỉ, đúng cách song song với các buổi điều trị với bác sĩ, kỹ thuật viên theo liệu trình khoảng 20-30 buổi tập sẽ có thể chữa dứt điểm các cơn đau đớn thay vì dùng thuốc giảm đau. Một số ít người bệnh có thể cải thiện chiều cao lên 3-4cm. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh cũng nên duy trì các bài tập phòng ngừa kể cả đứng và ngồi đúng tư thế như lưng thẳng, đầu thẳng, không nằm kê đầu cao hay duy trì tư thế cúi thường xuyên. 

Theo phụ nữ TPHCM