leftcenterrightdel
 Theo thống kê, giá thành điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm cao hơn thu nhập trung bình hàng năm. Ảnh:iStock. 

Tổ chức y tế Thế giới (WHO) định nghĩa vô sinh là hiện tượng không thể thụ thai sau khi quan hệ tình dục thường xuyên không sử dụng biện pháp bảo vệ từ 12 tháng trở lên. Căn bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội và cả kinh tế của người mắc.

Theo một báo cáo mới được công bố ngày 4/4 của WHO, khoảng 17,5% dân số trưởng thành, tương đương với 1/6 dân số toàn thế giới, bị vô sinh.

Ngoài ra, tỷ lệ vô sinh giữa các khu vực cũng khác nhau. Tỷ lệ người bị vô sinh ở các quốc gia có thu nhập cao là 17,8%. Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ này là 16,5%.

Con số này cho thấy nhu cầu tiếp cận dịch vụ chăm sóc sinh sản chất lượng tốt với giá cả phải chăng đang tăng cao.

Theo tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, báo cáo cho thấy dịch vụ chăm sóc sinh sản cần được mở rộng và có mặt trong các chính sách hỗ trợ y tế.

"Việc này tạo điều kiện cho những người bị vô sinh có thể tiếp cận với những phương pháp an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng để 'tìm con'", ông cho hay.

Dù bệnh này có mức độ nghiêm trọng, các phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị vô sinh, kể cả công nghệ hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), vẫn thiếu vốn và khó tiếp cận được do chi phí cao, bị xã hội kỳ thị và nguồn cung hạn chế.

Hiện tại, ở hầu hết quốc gia, chi phí cho các phương pháp điều trị vô sinh đều rất lớn và không được bảo hiểm chi trả. Việc này có thể khiến nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng vì điều trị vấn đề sinh sản.

Chương trình nghiên cứu, phát triển, đào tạo đặc biệt về sinh sản con người (HRP) của Liên hợp quốc và WHO đã đánh giá chi phí liên quan đến các phương pháp điều trị vô sinh ở các nước có thu nhập thấp, trung bình.

Phân tích này cho thấy chi phí y tế trực tiếp mà bệnh nhân phải trả cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thường cao hơn thu nhập trung bình hàng năm. Đây là mức chi phí quá cao đối với hầu hết người mắc bệnh này trên thế giới.

"Hàng triệu người phải đối mặt với chi phí chăm sóc sức khỏe khổng lồ sau khi điều trị vô sinh. Điều trị vô sinh giờ đây trở thành 'cái bẫy y tế' khiến nhiều người mắc lâm vào cảnh khốn cùng", tiến sĩ Pascale Allotey, Giám đốc Nghiên cứu Sức khỏe Sinh sản và Tình dục tại WHO, cho biết.

Theo zingnews