leftcenterrightdel
Có trường hợp chưa đến 30 tuổi nhưng đã gặp tình trạng suy buồng trứng nặng. Ảnh minh họa: Medical News Today.  

G.T. là nhân viên của một cơ sở y tế chuyên khoa phụ sản. Cô chưa tròn 30 tuổi, đang trong giai đoạn tập trung làm việc để chứng minh năng lực và nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, ác mộng ập đến khi T. đi làm xét nghiệm đánh giá chức năng buồng trứng. Chỉ số AMH lúc này đã ở giai đoạn cảnh báo.

Chưa đến 30 tuổi đã suy buồng trứng

Câu chuyện của T. được TS.BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, chứng kiến và chia sẻ lại với Tri thức trực tuyến.

Hàng ngày, T. phụ trách tiếp nhận hồ sơ và thông tin của nhiều phụ nữ đến khám phụ khoa, xét nghiệm đánh giá chức năng buồng trứng, điều trị hiếm muộn… Chứng kiến câu chuyện đau lòng của những phụ nữ không may hiếm muộn, T. cũng đăng ký xét nghiệm đánh giá chức năng buồng trứng cho yên tâm.

“Sau khi nhận được kết quả, cô gái ôm mặt khóc nức nở vì chỉ số xét nghiệm AMH rất thấp, chức năng buồng trứng suy giảm, một tình trạng thường gặp chỉ gặp ở phụ nữ trung niên hay mắc các bệnh về buồng trứng, tuy nhiên, cô gái lúc này vẫn chưa đến 30 tuổi”, TS Trung kể lại.

TS Trung phân tích hai hướng cho T. để cô tham khảo. Lựa chọn đầu tiên là nhanh chóng lập gia đình và sinh con. Vấn đề suy giảm buồng trứng lúc này có thể được cứu vãn và khả năng mang thai tự nhiên vẫn còn.

Lựa chọn thứ 2 là suy nghĩ đến chuyện đi trữ đông trứng nếu chưa có kế hoạch sinh con trong tương lai gần.

Quy trình trữ trứng khá "gọn” nhưng phụ nữ vẫn phải trải qua thủ thuật chọc hút trứng như trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Những nguy cơ về gây mê (tiền mê), xuất huyết trong ổ bụng… hiếm xảy ra song vẫn có thể có.

Một trường hợp khác cũng đến gặp TS Trung tư vấn về mong muốn có thêm con. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng khiến cả chị lẫn bác sĩ đều bất ngờ. Chỉ số AMH của người phụ nữ lúc này chỉ còn 0.1.

“Chỉ số này hầu như không còn cứu vãn được nữa, kể cả trữ đông trứng hay làm IVF cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, chỉ số AMH chỉ thể hiện việc giảm thiểu buồng trứng trên xét nghiệm, để có kết quả chắc chắn nhất, bác sĩ có thể dùng phác đồ khác để tăng số lượng trứng”, TS Trung nói.

Nỗi lo suy buồng trứng sớm

Câu chuyện buồn của G.T. hay tình huống phải chấp nhận không thể có thêm con của nữ bệnh nhân nói trên thực tế hiện nay không hiếm.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Du, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội, số lượng phụ nữ trẻ phát hiện bị suy buồng trứng qua xét nghiệm, tư vấn tại đơn vị ngày càng nhiều.

Bác sĩ Du chia sẻ trước đây, trong số bệnh nhân trước 35 tuổi đi khám vì vô sinh, hiếm muộn, 20% có nguyên nhân là từ suy giảm dự trữ buồng trứng sớm. Thời gian gần đây, số bệnh nhân trẻ mắc bệnh lý này có xu hướng tăng lên.

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Hữu Trung thực hiện ca chọc chút trứng. Ảnh:BSCC.  

Còn theo TS Nguyễn Hữu Trung, lĩnh vực hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, các kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán cho kết quả ngày càng chính xác hơn. Trong đó, xét nghiệm dữ trữ buồng trứng AMH (Anti-mullerian Hormone) có thể được xem là chỉ số đáng tin cậy có thể tham khảo.

Chỉ số AMH phản ánh số lượng các nang noãn hiện có của buồng trứng. Chỉ số này càng cao thì khả năng sinh sản càng cao và ngược lại. Đối với phụ nữ trong độ tuổi 25-30, AMH đạt mức cao nhất và suy giảm dần tự nhiên theo thời gian.

  • Bình thường: Từ 2 ng/mL đến 6,8 ng/mL.
  • Thấp: 1 đến 1,5 ng/mL.
  • Dưới 1: Khả năng có thai thấp
  • Dưới 0,5: Thấp nghiêm trọng, có thể phải xin trứng

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của các chỉ số này thường có thể chênh lệch tùy theo phòng xét nghiệm.

“Suy buồng trứng sớm là nỗi lo của nhiều phụ nữ và có dấu hiệu trẻ hóa, trong đó có cả những bệnh nhân trẻ tuổi chưa đến 30 đã phải đối mặt với tình trạng này”, ông nói thêm.

Đồng thời, chuyên gia này khuyến cáo thêm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể cần kiểm tra tình trạng buồng trứng trước khi kết hôn. Chỉ số AMH cũng có thể cho thông tin cơ bản về khả năng dự trữ buồng trứng và cơ hội mang thai của người phụ nữ.

Trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi xác định dự trữ buồng trứng có khuynh hướng giảm nhưng chưa có kế hoạch lập gia đình hay sinh con có thể nghĩ đến chuyện trữ trứng.

Tuy nhiên, TS Trung cũng nhấn mạnh không phải mọi người đều tự ý đến để lưu trữ trứng đều được đáp ứng. Tùy từng trường hợp cụ thể, bạn phải gặp bác sĩ để thăm khám xem trường hợp mình có chỉ định thực hiện trữ trứng hay không.

Theo zingnews