leftcenterrightdel
 

Một chiều mùa hè ở thành phố Osaka, Nhật Bản, khoảng 60 người đàn ông và phụ nữ tụ tập để tham gia buổi “omiai” hay mai mối tìm kiếm tình yêu đích thực, theo CNN. Tất cả đi tới, đi lui trong phòng hội nghị, giới thiệu, bắt chuyện với từng người nhằm xác định đối tượng phù hợp.

Nhưng đây hoàn toàn không phải buổi xem mắt tập thể bình thường. Những người tham gia không chia sẻ tính cách, sở thích hay bất kỳ điều gì về chính mình. Tất cả chỉ nói về những đứa con đã trưởng thành, vẫn còn độc thân mà họ hy vọng có thể nhanh chóng lấy vợ gả chồng.

Khi người trẻ ngày càng không mặn mà với chuyện hẹn hò, kết hôn và cả những buổi gặp mặt mai mối, các bậc phụ huynh đang phải vào cuộc. Bố mẹ đi xem mắt thay cho con nghe có vẻ mất thời gian, lòng vòng nhưng họ không còn lựa chọn khác.

Câu chuyện này không chỉ diễn ra ở xứ sở hoa anh đào. Tại Trung Quốc, các bậc cha mẹ phát tờ rơi ở các công viên mai mối mà thế hệ trẻ không hề biết. Ở Hàn Quốc, phụ huynh cũng hối thúc con cái tham gia các CLB mai mối, đi xem mắt hay kết hôn với người ngoài, nếu không tìm được đối tượng trong nước.

Tuy nhiên, tất cả dường như đều không hiệu quả. Tỷ lệ kết hôn tiếp tục sụt giảm trên khắp Đông Á. Đây được xem là vấn đề cấp bách vì trong các xã hội Nho giáo, không kết hôn thường đồng nghĩa với việc không có con, xu hướng đe dọa đến triển vọng kinh tế và sự sống còn của một quốc gia.

Khủng hoảng

Mặc dù có thể thấy sự tương đồng giữa việc ít kết hôn hơn và tỷ lệ sinh giảm mạnh ở tất cả xã hội Đông Á, xu hướng chung hầu như luôn bắt đầu ở Nhật Bản.

Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, dân số nước này từ lâu đã có xu hướng giảm. Nhưng năm 2023 đã chứng kiến mức giảm kỷ lục xuống còn 125 triệu người.

Đằng sau sự sụt giảm dân số đó là số lượng các cuộc hôn nhân và sinh sản ngày càng thấp.

Năm 2021, số lượng đăng ký kết hôn giảm xuống còn 501.116, ít nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ 2 năm 1945 và chỉ bằng một nửa con số được ghi nhận vào những năm 1970.

leftcenterrightdel
 Tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm nhanh ở Nhật Bản. Ảnh:savvytokyo.
 

Độ tuổi kết hôn cũng có xu hướng tăng. Độ tuổi kết hôn trung bình vào năm 2021 là 34 đối với nam và 31 đối với nữ.

Theo Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản, vào thời điểm bước sang tuổi 50, cứ 4 đàn ông Nhật Bản thì có 1 người vẫn độc thân, và 1/7 phụ nữ cũng vậy.

Số cuộc hôn nhân ít hơn kéo theo tỷ lệ sinh giảm. Năm ngoái, tỷ suất sinh nước này chạm mức thấp kỷ lục 1,3 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Xu hướng cũng tương tự ở Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trong 3 năm qua, Hàn Quốc là nước có tỷ suất sinh thấp nhất thế giới, trung bình 0,78 con/phụ nữ. Năm 2020, số ca tử vong đã vượt quá số ca sinh ở xứ kim chi.

Nhiều thành phố có nguy cơ biến mất trong những năm tới. Nhiều trường học, khoa sản trong bệnh viện, nhà trẻ đã đóng cửa vì thiếu trẻ em.

Ở Trung Quốc, số người kết hôn đã giảm từ khoảng 13,5 triệu cặp đôi hàng năm vào năm 2013 xuống còn khoảng 6,8 triệu vào năm 2022.

Các số liệu cho thấy mọi người cũng kết hôn muộn hơn, tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng và xu hướng sống độc thân đang bùng nổ.

"Bây giờ hoặc không bao giờ"

Các chuyên gia đều cảnh báo nếu không thể đảo ngược xu hướng không hẹn hò, không kết hôn, không sinh con trong tương lai gần, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ là những nước đầu tiên đối diện cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.

Nhiều biện pháp khuyến khích kết hôn, sinh đẻ đã được các nước này đưa ra, nhưng xu hướng vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều.

Đầu năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố kế hoạch trị giá hàng nghìn tỷ yên nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh, đồng thời cảnh báo đất nước cần hành động "bây giờ hoặc không bao giờ".

Trong số các ưu đãi dành cho cha mẹ có khoản trợ cấp hàng tháng 15.000 yên (100 USD) cho trẻ dưới 2 tuổi và 10.000 yên (70 USD) cho gia đình có 3 con trở lên.

Nhưng James Raymo, chuyên gia nghiên cứu Đông Á tại Đại học Princeton (Mỹ), cho biết nỗ lực tăng tỷ lệ sinh khó có thể thành công nếu không thúc đẩy tỷ lệ kết hôn trước tiên.

leftcenterrightdel
 Ở Hàn Quốc, show hẹn hò bùng nổ nhưng nhiều người không muốn yêu đương. Ảnh:Reuters.
 

"Đó thực sự không phải là vấn đề các cặp vợ chồng có ít con hơn. Vấn đề là liệu mọi người có kết hôn ngay từ đầu hay không", ông Raymo nói.

Bắt đầu từ năm 2022, chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ các gia đình 2 triệu won/trẻ em (1.500 USD) để trang trải chi phí trước khi sinh. Năm 2024, số tiền này tăng lên 3 triệu won (2.300 USD) cho đứa con thứ hai trở lên và 5 triệu won (3.800 USD) cho cặp song sinh.

Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát do Viện Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em Hàn Quốc, 37,7% số người được hỏi cho biết họ không có kế hoạch sinh thêm con, ngay cả khi chính phủ đưa ra chương trình như vậy.

Các dự án thí điểm với mục tiêu thúc đẩy hôn nhân đã được công bố vào tháng 5/2023 tại hơn 20 thành phố của Trung Quốc.

Một huyện ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc hồi tháng 8/2023 tuyên bố sẽ bắt đầu thưởng bằng tiền mặt cho các cặp vợ chồng mới cưới nếu cô dâu từ 25 tuổi trở xuống. Các quan chức cũng đã công khai khuyến khích người dân kết hôn và sinh con ở "đúng độ tuổi".

"4 không" và "3 ngọn núi"

Các chính sách khuyến khích kết hôn, sinh đẻ hầu hết đều thất bại vì chỉ giải quyết được một phần vấn đề bề nổi. Đa phần nguyên nhân sâu xa có thể phức tạp và khó xử lý hơn nhiều.

Ở Nhật Bản, nhiều người vẫn muốn kết hôn, nhưng có những trở ngại khi xây dựng gia đình riêng khiến họ e dè, lo sợ.

Nhà xã hội học Shigeki Matsuda chỉ ra rằng giới trẻ Nhật Bản đã phải đối mặt với triển vọng việc làm kém và mức lương không đổi kể từ những năm 1990. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tiền lương trung bình hàng năm ở Nhật Bản chỉ tăng 5% từ năm 1991 đến năm 2021 - so với mức tăng 34% ở các nền kinh tế phát triển khác như Pháp và Đức.

"Điều này đã làm suy yếu khả năng tài chính ngay trước khi kết hôn", ông Matsuda nói.

Chuyên gia nghiên cứu Đông Á James Raymo cũng có quan điểm tương tự, cho rằng chi phí sinh hoạt cao và thời gian làm việc kéo dài khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

"Nếu làm việc 70 giờ/tuần, thì tất nhiên bạn không có thời gian để gặp gỡ ai cả".

Đối với phụ nữ, chi phí cao không phải là vấn đề duy nhất. Nhật Bản vẫn là xã hội có tính gia trưởng, trong đó phụ nữ đã kết hôn thường được kỳ vọng sẽ đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình.

leftcenterrightdel
Bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm ở các nước Đông Á. Ảnh:SCMP.
 

Giám đốc công ty mai mối Noriko Miyagoshi cho biết: "Mặc dù Nhật Bản bình đẳng về mặt pháp lý giữa nam và nữ, trên thực tế, mọi người có niềm tin sâu xa rằng phụ nữ vẫn nên sinh đẻ, nuôi dạy con cái, trong khi đàn ông ra ngoài kiếm tiền".

Sự bất bình đẳng giới cũng là vấn đề lớn ở Hàn Quốc. Từ năm 2019, phong trào "4 không" (không hẹn hò, yêu đương, kết hôn, sinh con) đã phổ biến trong nữ giới xứ kim chi.

Bất chấp thành tích học tập nổi trội của phụ nữ ở Hàn Quốc, theo một nghiên cứu của Statista, khoảng cách về lương giữa hai giới vẫn rất lớn: nam giới kiếm được nhiều hơn nữ giới 30%.

Thêm vào đó là sự thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như chênh lệch trong việc phân bổ công việc gia đình. Phụ nữ Hàn Quốc thường gánh vác phần lớn trách nhiệm nuôi con, buộc họ phải lựa chọn giữa đi làm và ở nhà chăm sóc gia đình.

Nếu ở Hàn Quốc có phong trào "4 không", thì tại Trung Quốc, nhiều người đang chịu gánh nặng của "3 ngọn núi": giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở.

Với những người muốn kết hôn, nhà ở là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, lạm phát bất động sản đã đẩy giá nhà ở tăng cao tới mức người lao động làm việc cả đời cũng không đủ tiền mua căn hộ.

Còn với những người đã có con, giáo dục tư nhân trở thành điều không thể thiếu giúp con họ nổi bật trong thị trường lao động quá cạnh tranh. Nhưng phí gia sư cũng cao ở mức không tưởng.

Ngoài ra, theo Pan Wang, giảng viên cao cấp về nghiên cứu châu Á tại Đại học New South Wales (Australia), những lựa chọn cá nhân cùng với sự bùng nổ của "nền kinh tế độc thân" đã thay đổi động lực hôn nhân trong xã hội Trung Quốc nói riêng và Đông Á nói chung.

Đối với các thế hệ trước, tình yêu và hôn nhân là vấn đề tập thể hơn là lựa chọn cá nhân. Nhưng thế hệ ngày nay có suy nghĩ khác.

"Bây giờ, hôn nhân cũng chỉ là một trong rất nhiều lựa chọn sống", Wang, tác giả cuốn sách Love and Marriage in Globalizing China, nói với Al Jazeera.

Theo lifestyle.zingnews