Tại Việt Nam có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh thận mạn tính là một bệnh lý tiến triển, có tỷ suất mắc cao, chưa được chẩn đoán kịp thời và quan tâm đúng mức.

Tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh thận mạn tính hiện còn rất cao, đặc biệt ở giai đoạn sớm do các triệu chứng của bệnh không điển hình, chỉ có khoảng 4,5-15,5% bệnh nhân bệnh giai đoạn 3 được chẩn đoán. 

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, có nhiều nguyên nhân gây suy thận. Ngoài ăn mặn (ăn quá nhiều muối) còn có một số nguyên nhân đến từ chính thói quen hằng ngày. 

an_nhieu_muoi
Thói quen ăn mặn dẫn tới huyết áp tăng cao, từ đó gây áp lực cho thận, buộc thận phải làm việc nhiều hơn. Ảnh: Daily Mail

Uống không đủ nước: Người trưởng thành khỏe mạnh cần khoảng 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể hoạt động trơn tru. Khi cơ thể bị thiếu nước, hoạt động của hệ tiết niệu sẽ bị đình trệ, nước tiểu bị tích trữ trong bàng quang lâu hơn, các chất độc, cặn thải trong nước tiểu sẽ lắng xuống thận gây sỏi thận. Quá trình này nếu diễn ra lâu ngày sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thận, gây suy thận.

Nhịn tiểu trong thời gian dài: Trong nước tiểu có các chất thải, chất độc của cơ thể cần thải ra ngoài. Nếu chúng ta nhịn tiểu trong thời gian dài bàng quang sẽ bị chèn ép và nhiễm khuẩn, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thận.

Chế độ ăn uống dư thừa đạm: Nhiều người có sở thích ăn nhiều thịt ít rau. Đây là thói quen ăn uống không lành mạnh. Khi cơ thể bị dư thừa đạm, thận phải hoạt động nhiều hơn, về lâu dài chức năng của thận sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt: Ăn quá nhiều đường sẽ làm tăng huyết áp và gây bệnh tiểu đường, đây là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới suy giảm chức năng thận. Ngoài ra, các loại nước ngọt thường có độ pH cao, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để điều chỉnh độ pH của cơ thể. Vì vậy, việc uống nước ngọt thường xuyên có thể gây ra suy thận.

Uống nhiều rượu, bia: Thành phần cồn có trong rượu bia ảnh hưởng rất lớn đến chức năng lọc và thải độc máu của thận, gây ứ đọng acid uric, làm tắc nghẽn ống thận và khiến chức năng thận bị suy giảm nhanh chóng.

Lạm dụng thuốc: Nhiều người tự mua và dùng thuốc tại nhà không theo đơn thuốc của bác sĩ, đây là thói quen rất xấu vì một số loại thuốc khi dùng dài ngày với liều cao sẽ gây ra suy thận, ví dụ thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh nhóm aminoglycoside, hoá chất điều trị ung thư, thuốc cản quang… Ngoài ra, nhiều trường hợp người bệnh cũng bị suy thận vì tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị.

Bệnh suy thận ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện, đến khi các dấu hiệu bệnh xuất hiện rõ ràng cũng là lúc bệnh đã trở nặng. Một số triệu chứng phổ biến của suy thận:

- Mệt mỏi, tinh thần uể oải, khó tập trung.

- Mất ngủ kéo dài.

- Da dẻ khô ráp, có cảm giác ngứa ngáy.

- Đi tiểu nhiều hơn bình thường. Nước tiểu có các dấu hiệu bất thường như có màu sẫm, có bọt, tiểu ra máu…

- Bọng mắt sưng to trong thời gian dài không rõ nguyên nhân. Bàn chân, mắt cá chân sưng phù.

- Chán ăn, sút cân.

Các triệu chứng trên dễ bị nhầm lẫn sang bệnh lý khác. Vì vậy, khi thấy cơ thể có bất thường, nên đi khám ở các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo vietnamnet