Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến - giảng viên Trường đại học Y Dược TPHCM - cho biết với không ít người, quan niệm về hạnh phúc giờ đây không còn bó hẹp trong việc lập gia đình và sinh con nữa. Từng có nhiều trường hợp người trẻ có xu hướng nuôi thú cưng, xem chúng như con thay vì lập gia đình, sinh con... Nhưng rồi họ gặp các vấn đề về tâm lý khi nhận ra nuôi chó, mèo, thỏ, rùa... không đơn giản. Không ít trường hợp sau này đã hối tiếc vì quyết định không lập gia đình, không sinh con.

Xem thú cưng là “con”

Sau khi chia tay người yêu, H.T.K.L. (28 tuổi, ở TP Thủ Đức) quyết định đem một chú mèo về bầu bạn. Mỗi lần vuốt ve, cho mèo ăn, vui đùa với mèo, L. thấy đỡ căng thẳng hơn. Dần dần, L. không muốn đi ra ngoài, chỉ thích ôm ấp, nói chuyện với mèo. L. cho biết, từ lúc nuôi mèo, mình có... bạn ăn chung, ngủ chung, chơi cùng nên không cần ra ngoài xem phim, hay “tám chuyện” với ai nữa. Hết giờ làm, cô tranh thủ chạy về nhà, mở cửa ra đã thấy “bé mèo” nằm chờ sẵn. “Người bạn dễ thương” này không bao giờ than phiền, cãi nhau hay ép cô làm điều gì đó mà cô không thích.

leftcenterrightdel
 Đàn “con” của vợ chồng chị D.

“Ốc (tên chú mèo) hiểu hết những gì tôi nói. Bé im lặng lắng nghe, vùi vào tôi an ủi chứ không như bạn bè khác cứ yêu cầu tôi phải quên người bạn trai đi, không buồn nữa... Từ khi nuôi Ốc, tôi nhận ra tôi chỉ cần có Ốc là đủ” - L. chia sẻ. Những ngày lễ, tết, L. chọn ở lại thành phố thay vì về quê để tránh sự thúc giục cưới chồng, sinh con của cha mẹ. Thay vì đi cà phê với bạn bè, L. ở nhà chơi đùa với Ốc, “người bạn” không bao giờ làm mình buồn bực, tổn thương.

Dù có chồng đã hơn 4 năm nhưng chị T.T.H.D. (34 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) chỉ nuôi chó, mèo chứ không sinh con. Chị nói: “Chồng tôi làm ở trạm giải cứu chó, mèo nên chúng tôi muốn dành toàn thời gian cho “các con” (chó, mèo - PV) thay vì sinh một em bé. Chăm sóc một đứa trẻ không dễ dàng gì. Nhất là khi trẻ đến tuổi đi học, lớn lên yêu đương, lập gia đình..., rất nhiều thứ phải lo. Chúng tôi khó có thể chu toàn”. Theo chị D., dù cha mẹ 2 bên luôn thúc giục nhưng chị và chồng đã quyết định xem chó, mèo như con, vợ chồng chị đang vui vẻ, hạnh phúc với “bọn trẻ”.

Dù vậy, vợ chồng chị D. đang khá chật vật khi chăm sóc cho 9 con mèo, 7 con chó. Mỗi tháng, vợ chồng chị phải chi hơn 20 triệu đồng tiền thức ăn, quần áo, chăm sóc y tế cho “đàn con”. Sau giờ làm, cả hai phải thay nhau quét dọn, tắm rửa cho chó, mèo. Ngay cả giường ngủ cũng phải chia sẻ cho “các con”. Chưa kể, hàng xóm liên tục than phiền, khó chịu vì đàn chó cắn phá, sủa suốt ngày. Có khi anh chị cãi nhau với hàng xóm cũng vì chuyện chó, mèo gây ồn ào. Dần dần, vợ chồng chị không nói chuyện với ai, không đi chơi với bạn bè, nhà lúc nào cũng đóng kín cửa. "Tôi đã chuyển nhà 5 lần vì hàng xóm. Sắp tới, có lẽ vợ chồng tôi sẽ tìm nhà thuê ở ngoại thành để tiện chăm sóc “các con” - chị D. chia sẻ.

Các mối quan hệ xã hội khác rất quan trọng

Giảng viên Phan Thị Hoài Yến cho biết, trên thực tế, vật nuôi hỗ trợ tốt trong việc điều trị tâm lý cho con người. Các chuyên gia vẫn khuyến khích trong gia đình nên có một vật nuôi để chúng ta có nhiều cảm xúc, trách nhiệm, vận động nhiều hơn... thông qua chăm sóc thú cưng. Một số nghiên cứu cho thấy, người nuôi khi cho thú cưng ăn, chơi đùa với chúng sẽ có cảm giác vui vẻ, thư giãn, thúc đẩy sản sinh hoóc môn hạnh phúc, giảm nhanh các triệu chứng trầm cảm, lo âu, stress. Đặc biệt, việc chơi đuổi bắt cùng mèo, dắt chó đi dạo, ngắm đàn cá bơi lội tung tăng..., người nuôi cảm thấy thư thái tinh thần, tốt hơn nhiều so với ngồi xem điện thoại, máy tính bảng.

“Tuy nhiên, thú cưng không phải là tất cả, không thể thay thế cho các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh nuôi thú cưng vẫn cần có bạn bè, người thân. Nếu dành toàn tâm toàn ý, tinh thần, tiền bạc, thời gian cho thú cưng sẽ dễ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Những bạn trẻ quyết định xem thú cưng như con và không lập gia đình, không sinh con cần cân nhắc thật kỹ. Bởi nếu thú cưng đi lạc, không may mất đi, các bạn sẽ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, thu mình” - bà nhấn mạnh.

Bà phân tích: Ví dụ khi buồn, người nuôi chỉ độc thoại với chó, mèo, vuốt ve, cho ăn, ôm ấp. Tất cả chỉ là sự tương tác một chiều từ người nuôi “xả” ra con vật chứ không phải giao tiếp bằng cách trò chuyện qua lại giữa người với người. Giống như trước đây từng có trào lưu chơi vật nuôi ảo trên điện thoại. Cứ đến giờ thì người chơi mở lên cho mèo, chó, thỏ... ăn, vệ sinh... Ban đầu, người nuôi sẽ cảm thấy được giải tỏa, rất dễ chịu bởi chó, mèo không phản kháng, không khuyên nhủ mà luôn lặng yên bên cạnh. Nhưng về lâu dài, người nuôi sẽ dần thu mình, khó thể hiện được cảm xúc với người khác. Nếu gặp vấn đề lớn hơn, họ không chia sẻ được với ai mà trôi theo sự tiêu cực, không thoát ra được.

Có người nuôi nhiều chó, mèo, khi bận rộn hay muốn đi du lịch, việc phải tìm cách hoặc nhờ người khác chăm sóc cũng khiến họ căng thẳng, mất ngủ, mệt mỏi. Từng có gia đình vì thú cưng mà cãi vã, vợ chồng không nhìn mặt nhau.

Giảng viên Phan Thị Hoài Yến cho rằng, rõ ràng, việc nuôi thú cưng có nhiều mặt tích cực. Tuy nhiên nếu chọn nuôi thú cưng thay cho sinh con, khi quá tuổi sinh con, một số gia đình có thể cảm thấy hối tiếc khi trong nhà không có con cái, nguy cơ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình trong tương lai. “Chúng ta vẫn có thể vừa nuôi thú cưng, vừa có một em bé kháu khỉnh trong nhà. Tiếng cười đùa, ôm ấp của một đứa trẻ sẽ giúp cha mẹ có những cảm xúc, ý nghĩa đặc biệt. Chính vì vậy, trước khi quyết định không sinh con mà chỉ nuôi thú cưng, cần suy nghĩ thật kỹ để tránh phải hối tiếc về sau” - bà nhấn mạnh.

Theo phụ nữ TPHCM