Kính gửi chị Hạnh Dung,
Chồng và con gái em có một sở thích chung: nuôi mèo. Con gái em 8 tuổi, bắt đầu thích mèo từ lúc 4 tuổi. Hiện tại, nhà em nuôi đến 3 con mèo. 2 cha con dành toàn bộ thời gian cho mèo. Mấy lần em đã bàn với chồng đem cho bớt mèo, chỉ để lại 1 con nhưng 2 cha con cứ lần lữa rồi mọi chuyện vẫn đâu vào đó.
Em chưa thể có bé thứ hai, một phần lý do cũng vì trong nhà từ bàn học, ghế ngồi đến giường ngủ… đều có lông mèo, em sợ trẻ sơ sinh sẽ dị ứng.
Vừa rồi, 1 con mèo bị bệnh chết, 1 con bị người ta bắt hay bỏ đi đâu không rõ. Em không tỏ ra mừng vui nhưng thực sự trong lòng nhẹ nhõm, nghĩ rằng thôi thì cuối cùng cũng còn lại có 1 con.
Nhưng chuyện không đơn giản, con gái em khóc lóc, thậm chí bỏ ăn, suốt ngày nhắn tin tìm mèo, đòi ba chở đi tìm mèo. Bé không thể tập trung vào chuyện học hành hay bất kỳ chuyện gì khác.
Em cứ nghĩ chắc sau một vài tuần, mọi chuyện sẽ nguôi đi nhưng bé không thể quên mấy con mèo đó. Em hỏi một người bạn làm ngành tâm lý, bạn nói con em bị phụ thuộc cảm xúc.
Chưa tìm ra cách nào chữa lành cho bé, một bữa đi làm về, em thấy 2 cha con đem về 1 con mèo mới. Chồng em nói phải làm vậy con em mới có thể khuây khỏa.
Em quá giận, trách anh sao không hỏi ý kiến em, giờ anh muốn nuôi mèo hay muốn sinh thêm con… Chồng nói bản tính em không phải là người yêu động vật, không thể hiểu được tình cảm của cha con anh.
Vì mấy con mèo mà vợ chồng cãi vã, thật nản lòng mà không biết phải làm sao. Nếu em để yên, không chừng tuần sau 2 cha con lại tha về 1 con mèo nữa…
Thái Hằng (TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Em Thái Hằng thân mến,
Thú cưng như chó, mèo, cá cảnh và nhiều vật nuôi khác đang dần trở thành một phần trong cuộc sống của các bạn nhỏ. Thú cưng mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho trẻ nhưng việc nuôi thú cưng trong nhà cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài những rủi ro thông thường, việc trẻ bị phụ thuộc cảm xúc vào thú cưng là điều ít người nhận thấy. Khi em đã nhận ra điều này, cần nghiêm túc chữa trị cho con. Quan trọng hơn, vợ chồng em cần qua việc này để xây dựng tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con và thu xếp cuộc sống gia đình.
Về mặt vật lý, em có thể thu xếp từng bước, từ việc tách dần thú cưng và con gái em, không để mèo ngủ chung trên giường hay nằm ngồi mọi chỗ trong phòng con gái. Cần thiết lập những ranh giới linh hoạt nhưng rõ ràng giữa mèo với con gái, với phòng ăn phòng ngủ phòng bếp của cả gia đình.
Em cần nói chuyện với chồng em về việc này để giữa vợ chồng có sự thống nhất. Việc chồng em tìm thêm 1 con mèo khác là chưa thực sự phù hợp nhưng không nên đặt vấn đề lựa chọn giữa nuôi mèo hay sinh thêm con bởi chuyện sinh con quan trọng hơn rất nhiều, mình cần sắp xếp gia đình, ưu tiên cho con.
Về mặt tinh thần, bản thân em dù không thích nuôi mèo nhưng cũng không thể đứng ngoài cuộc hoàn toàn. Em nên nói chuyện với con về trách nhiệm đối với thú nuôi, hướng dẫn con quan sát và hiểu cảm xúc của vật nuôi, không chăm sóc mèo thay con và cũng đề nghị chồng không làm thay.
Trẻ hay bị “nghiện cảm xúc” khi ôm ấp, vuốt ve, cưng nựng thú nuôi, có phần do trong thực tế trẻ chưa được nhận đủ những cảm xúc này từ người thân. Em có thể dùng con mèo mới như một phương tiện để 2 mẹ con cùng thử nghiệm. Khi có cùng tiếng nói với con, em mới có thể thuyết phục con.
Ví dụ, em và con thử thiết kế không gian cho mèo để khi mẹ có em bé mới, em bé sẽ không bị ảnh hưởng, dị ứng. Việc sắp xếp chắc chắn khó khăn, dần dần mình sẽ đi đến chọn lựa chỉ nuôi 1 con mèo thôi.
Bên cạnh đó, em đưa con tham gia các hoạt động ngoài trời, giúp con tìm thêm bạn mới, niềm vui mới, sở thích mới. Trẻ em lớn nhanh, thay đổi cũng nhanh. Với sự kiên nhẫn của người mẹ, em sẽ giúp con vượt qua những cảm xúc này. Chúc em thành công.
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Phi Vân (TP Thủ Đức, TPHCM): Đặt ra quy tắc chung về việc nuôi mèo
Bạn đừng quá thành kiến với mèo vì chúng không hẳn chỉ có hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ mà thực sự đem lại nhiều lợi ích như giúp trẻ học cách quan tâm, phát triển ý thức trách nhiệm thông qua việc cho mèo ăn đúng giờ, vệ sinh cho mèo…
Điều quan trọng là việc vui chơi với mèo sẽ giúp trẻ tăng cường thể chất, giảm stress, giảm lệ thuộc vào các thiết bị điện tử. Đó là lý do tại các nước phát triển, người dân thích nuôi chó mèo và cho trẻ nhỏ tiếp xúc với thú cưng từ nhỏ.
Thay vì ngăn cấm, khó chịu, bạn nên xuôi theo sở thích của 2 cha con. Tuy nhiên, bạn cần đặt ra quy tắc chung cho 2 cha con về không gian, khu vực mèo được phép lui tới để đảm bảo lông mèo không rơi vãi khắp nhà.
Để hạn chế lông mèo trong nhà, bạn có thể đề nghị chồng và con gái tìm hiểu các sản phẩm kiểm soát lông, chải lông mèo thường xuyên, sử dụng máy hút bụi chuyên dụng.
Trường Giang (Huyện Đức Hòa, Long An): Đừng sợ trẻ phụ thuộc cảm xúc vào vật nuôi
Tôi từng có tuổi thơ ăn ngủ với chó. Mỗi khi có một con chó nào đó lạc mất, tôi cũng buồn bã khóc lóc, bỏ ăn mấy ngày liền. Tôi không nghĩ con bạn bị phụ thuộc cảm xúc vào mèo.
Lý do trẻ em nói chung thích nuôi chó mèo là vì chúng đem lại cho trẻ cảm giác thoải mái, một tình yêu thương vô điều kiện. Hoặc đơn giản là ba mẹ quá bận rộn không có thời gian chơi với con nên trẻ chọn chơi với chó mèo.
Những đứa trẻ yêu thương chó mèo thường rất giàu tình cảm, biết cách chăm sóc người thân rất tốt vì từng có kinh nghiệm chăm sóc mèo. Nếu bạn muốn sinh thêm con thì đừng chần chừ, chắc chắn con gái bạn sẽ giúp mẹ chăm em, bớt quấn quýt mèo.
Tuy nhiên, bạn phải trao đổi với con về kế hoạch sinh thêm em để bé không có cảm giác bị bỏ rơi, mất tình yêu thương từ ba mẹ.
Theo phụ nữ TPHCM