Sự kết hợp giữa việc gia tăng tuổi thọ, quy mô gia đình giảm và lạm phát đang khiến một bộ phận người trung niên mắc kẹt trong vai trò chăm sóc thân nhân cao tuổi hoặc mắc bệnh mạn tính.

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận một mô hình nhất quán, trong đó những người bước vào giai đoạn trung niên có nhiều dấu hiệu của bệnh trầm cảm - ngủ ít hơn và hay quên cũng như bắt đầu cảm thấy quá tải trong cuộc sống, căng thẳng với sự nghiệp.

Họ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào rượu, bị chứng đau nửa đầu, suy nhược, thậm chí nuôi dưỡng ý định tự tử. 

Những thay đổi của thế giới hiện đại đang khiến cuộc khủng hoảng tuổi trung niên trở nên đáng sợ hơn - ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Những thay đổi của thế giới hiện đại đang khiến cuộc khủng hoảng tuổi trung niên trở nên đáng sợ hơn - ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

Trong báo cáo nghiên cứu do Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (Mỹ) phát hành vào trung tuần tháng Mười, các tác giả viết: “Cuộc khủng hoảng tuổi trung niên của loài người dường như là một hiện tượng quan trọng và ít được công nhận”. Vẫn chưa rõ liệu các cuộc khủng hoảng ấy là một phần không thể thay đổi và tiềm ẩn của tâm lý con người hay là hệ quả của việc sống trong một xã hội giàu có hiện đại.

Đôi khi có một nghịch lý: những cảm giác chán nản này lại trùng khớp với giai đoạn một người đang ở đỉnh cao sự nghiệp, có sức khỏe tốt và sống ở những quốc gia an toàn, tự do nhất trên thế giới.

Sam Leith - biên tập viên 48 tuổi của tạp chí The Spectator (Anh) - chia sẻ: "Nửa sau tuổi 40 là một khoảng thời gian đáng sợ. Những tiềm năng phía trước bạn thu hẹp lại; những thất vọng và thất bại đằng sau bạn xếp chồng lên nhau.

Bạn bắt đầu xa cách bạn bè và những người lớn tuổi mà bạn thích trò chuyện cũng qua đời. Lúc này, bạn nhận thức rõ hơn về cái kết của chính mình theo năm tháng. Bản thân bạn cũng mất đi năng lượng và nhiệt huyết". Ở Mỹ, những cái chết vì tuyệt vọng và bệnh mạn tính ở người trung niên đã gia tăng trong thập niên qua.

Nhóm dân số trung niên hiện tại (từ 40 đến 65 tuổi) báo cáo mức căng thẳng hằng ngày nhiều hơn, sức khỏe thể chất và tâm lý kém hơn so với thế hệ trải qua tuổi trung niên trong những năm 1990.

Ở Anh, yêu cầu chăm sóc gia tăng theo độ tuổi đối với tất cả người trưởng thành có ít nhất cha hoặc mẹ còn sống.

Đặc biệt, những cá nhân là con một có nhiều khả năng phải chăm sóc cha mẹ già khi bản thân họ đã ở độ tuổi tương đối lớn - từ 55 đến 65 tuổi. Trở thành người chăm sóc duy nhất liên quan đến nguy cơ sức khỏe tâm thần kém hơn.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Chỉ riêng tại Mỹ vào năm 2020, khoảng 10 triệu người phải trở thành người chăm sóc cho ít nhất một thành viên lớn tuổi trong gia đình. Đa số họ nằm trong độ tuổi 50-64, với hơn 65% là phụ nữ. Vì khủng hoảng tuổi trung niên ở phụ nữ về cơ bản là một giai đoạn chuyển đổi, thường xảy ra ở độ tuổi từ 45-65, gánh nặng chăm sóc người thân có thể dẫn đến một kịch bản tồi tệ hơn.

Tuy có vẻ đáng sợ, suy cho cùng, những năm giữa cuộc đời là điều bạn phải vượt qua. Chúng không phải là về chứng trầm cảm và thay đổi tâm trạng hay về cảm giác bị mắc kẹt trên đường đua, liên tục ứng phó một cuộc khủng hoảng hiện hữu.

Đó là khoảng thời gian để chúng ta đánh giá lại, phản ánh và nắm bắt cơ hội nhằm trở thành một phiên bản cải tiến hơn của chính mình. Có một số lời khuyên quan trọng nên xem xét khi trải qua cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, gồm: ưu tiên tìm hạnh phúc cho bản thân; chọn xem ai sẽ ở lại trong cuộc sống của bạn khi con cái đã trưởng thành; dành thời gian đầu tư vào những sở thích và hoạt động giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần; tìm cách cống hiến cho cộng đồng và học cách trở thành nhân vật chính của cuộc đời bạn một lần nữa.

Hãy nhớ tuổi trung niên không phải lúc để đánh mất niềm đam mê. Ở độ tuổi đó, bạn có thể đạt được bất cứ điều gì bạn đặt ra. 

Theo phụ nữ TPHCM