Từ xa xưa, nhiều loại thảo dược được ứng dụng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý. Trong đó, cây thường xuân được biết đến dược liệu tự nhiên có thể hỗ trợ điều trị một số triệu chứng của viêm đường hô hấp và có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
1. Cây thường xuân là gì?
Thường xuân có tên khoa học là Hedera helix L và được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Nguyệt quế, dây lá Nho, cây Vạn Niên.
Tầm xuân là một loài thực vật có hoa, thuộc loại dây leo, leo lên nhờ các rễ con bám chặt vào giá thể, cây có thể cao tới 20 - 30m. Lá Thường xuân mọc so le, dài khoảng 50 – 100mm, cuống lá dài từ 15 – 20mm. Ở giai đoạn còn non, lá nhỏ, có lông và thường có chia thùy. Đến khi cây trưởng thành, lá hình bầu dục, to hơn và mọc thành bụi. Quả thường xuân có màu đen, giống quả mọng và gần như hình cầu mọc thành cụm.
Thường xuân có thể mọc trong không gian bỏ hoang và khu vực hoang dã như trên tường, hàng rào, vách đá, thân cây và tất cả các loại môi trường sống tự nhiên và nhân tạo. Mặc dù loại cây leo thường xuân này có nhiều đặc tính trang trí, nhưng đây cũng là một vị thuốc hữu ích đối với con người.
Trong lá thường xuân có chứa một số chất hoá học có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh như Saponin (chiếm khoảng 4 – 5%): Hedera Saponin B, Hedera Saponin C, Hederasaponin D là 3 saponin chính và một lượng nhỏ α-hederin, Flavonoid, alkaloid, chất béo, dẫn xuất của acid phenolic.
Thường xuân là cây thân leo, có đặc tính trang trí nhưng cũng có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ (Ảnh: Internet)
2. Lá thường xuân có tác dụng gì?
Từ nhiều thập kỷ, chiết xuất khô của lá thường xuân đã được sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp kèm theo ho có đờm.
Việc sử dụng cây thường xuân có từ thời Hy Lạp cổ đại, không ai khác chính là Hippocrates -"Cha đẻ của y học" đã nhận thấy được các đặc tính chữa bệnh của cây thường xuân đối với nhiều loại bệnh. Một số đặc tính tiêu biểu của loại lá này như chống viêm, chống co thắt, kháng khuẩn, chống oxy hóa.
2.1. Lá thường xuân hỗ trợ điều trị một số bệnh đường hô hấp
Lá thường xuân có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của một số bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, hen suyễn, COPD, cụ thể:
- Hỗ trợ làm giãn phế quản: Lá thường xuân có tác dụng lên thụ thể β2-adrenergic của cơ trơn phổi. Điều này dẫn đến sự giãn nở phế quản và cho phép nhiều luồng không khí hơn và thở dễ dàng hơn.
- Giúp tiêu nhầy: Thảo dược này giúp loại bỏ đờm dễ dàng hơn bằng cách làm loãng dịch đờm.
- Giảm ho: Saponin có trong lá thường xuân và flavonoid, giúp giảm ho, ho khan, ho có đờm bằng cách giảm co thắt cơ.
Chiết xuất từ lá thường xuân có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng liên quan đến bệnh đường hô hấp (Ảnh: Internet)
2.2. Lợi ích sức khoẻ khác của lá thường xuân
Ngoài những tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số triệu chứng của bệnh đường hô hấp, lá thường xuân có nhiều lợi ích khác như:
- Chống viêm: Trong các nghiên cứu, chiết xuất của lá thường xuân đã được chứng minh là mang lại các đặc tính chống viêm, cải thiện các triệu chứng liên quan đến rối loạn viêm phế quản mãn tính. Ngoài ra, lá thường xuân có thể cung cấp một giải pháp thay thế hữu ích cho các tình trạng viêm và viêm khớp.
- Chống oxy hóa: Các đặc tính chống oxy hóa của cây thường xuân hỗ trợ loại bỏ độc tố và giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do.
- Hoạt động kháng virus: Lá thường xuân đã được chứng minh là có hoạt tính kháng vi-rút đối với Enterovirus 71 (EV71). Đây là loại virus chính gây ra bệnh tay chân miệng.
- Chống dị ứng: Hiệu quả trong việc giảm nhẹ và kiểm soát các triệu chứng dị ứng.
- Phòng ngừa và hạn chế sự phát triển của ung thư: Thường xuân cho thấy hoạt động trong việc ức chế sự phát triển của khối u.
3. Một số lưu ý khi sử dụng lá thường xuân
Bên cạnh những lợi ích đối với sức khoẻ, lá thường xuân có thể gây ra một số tác dụng phụ mà mọi người cần lưu ý:
- Lá thường xuân có thể gây dị ứng hoặc viêm da tiếp xúc trên da. Theo ghi nhận, một số trường hợp đã gặp tình trạng này khi cắt tỉa cây thường xuân.
- Theo nghiên cứu, lá thường xuân có thể gây ra các tác dụng phụ đối với đường tiêu hoá như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa.
- Chỉ nên sử dụng lá thường xuân cho người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em từ 2 tuổi trở lên
- Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường sau khi sử dụng loại lá này, bạn nên ngưng sử dụng, thăm khám sức khoẻ nếu các triệu chứng không thuyên giảm.
- Lá thường xuân chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ. Những trường hợp như phụ nữ có thai, người có bệnh mãn tính nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Vân Anh