Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh rơi vào khoảng 33% sản phụ. Nhưng có tới 50% số đó không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.
Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc gặp vấn đề tâm lý khác…).
Đáng chú ý, trầm cảm sau sinh có tỷ lệ tái phát cao từ 25 đến 68%. Có tới 20% các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cần phải can thiệp chuyên môn, nếu không có thể dẫn tới nhiều trường hợp đáng tiếc, đau lòng.
Theo ThS.TS. Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), trầm cảm sau sinh là một vấn đề nổi bật cần nhận được sự quan tâm đúng mức. Rất nhiều chị em phụ nữ sau sinh rơi vào trầm cảm nhưng không nhận thức được rõ vấn đề, từ đó không được trị liệu và bệnh tiến triển ngày một nặng hơn, ảnh hưởng nặng nề tới người bệnh. Trầm cảm sau sinh có thể dẫn đến rất nhiều những quyết định sai lầm và hệ lụy phức tạp.
Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression) là một rối loạn cảm xúc xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh nữ. Bệnh lý này biểu hiện qua khí sắc trầm buồn, chán nản, mệt mỏi và hình thành những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
BS Thành phân tích: "Đây là chứng bệnh tâm lý thường gặp, xảy ra ở khoảng 10-20% phụ nữ sau khi sinh nở. Trong đó có 15% trường hợp xảy ra trong 3 tháng sau khi sinh và 15-25% xảy ra trong năm đầu tiên".
|
|
Trầm cảm sau sinh nếu không được phát hiện kịp thời có thể dẫn đến hệ lụy đáng tiếc. Ảnh minh họa. |
4 dấu hiệu cần nghĩ ngay đến trầm cảm sau sinh
BS Thành lưu ý, chị em phụ nữ cần chú ý những dấu hiệu sớm của trầm cảm để phát hiện sớm và có những giải pháp thích hợp.
- Các dấu hiệu về cảm xúc, khí sắc: Khí sắc trầm, có cảm giác buồn chán kéo dài, buồn chán không rõ nguyên nhân. Các mẹ thường khóc cả ngày hoặc trở nên lãnh đạm, thờ ơ, trống rỗng. Ngoài ra, các mẹ có thể cảm thấy sợ hãi, dễ nổi nóng, lo lắng quá nhiều nhưng các luồng suy nghĩ không rõ ràng và mơ hồ.
- Các thay đổi trong hoạt động thường ngày: Cảm thấy uể oải, chán nản, không muốn làm việc kể cả những việc bản thân yêu thích. Mất hứng thú với những sở thích trước đây, Rối loạn ăn uống như chán ăn, hoặc ăn rất nhiều. Người bệnh còn có thể rối loạn giấc ngủ như ngủ nhiều hoặc mất ngủ. Bên cạnh đó, các mẹ còn có thể cảm thấy giảm ham muốn tình dục hoặc đột nhiên ham muốn rất nhiều. Nặng nề hơn nữa, nhiều bệnh nhân có hành vi tự làm hại bản thân, làm hại con.
- Các thay đổi trong trí nhớ và chú ý: Người bệnh có thể cảm thấy khó tập trung hoặc chú ý vào một việc, thường xuyên quên mất công việc của mình và khó khăn khi đưa ra quyết định. Các mẹ bỉm sữa có thể trở nên lơ đãng khi làm các công việc nhà, khi chăm con, quên mất vị trí để đồ đạc và quên giờ giấc.
- Các thay đổi trong tư duy: Các mẹ có thể bị ám ảnh như ám ảnh việc mình không phải là người mẹ tốt, hoang tưởng ảo tưởng rằng có người trách mắng chửi rủa mình. Các mẹ thường có định kiến sai về bản thân như cảm thấy tội lỗi, vô dụng, không có giá trị và không thể làm tốt bất cứ việc gì.
"Nếu gặp phải bất cứ các dấu hiệu nào kể trên, hãy đến khám tại các cơ sở y tế và nhận tư vấn và điều trị sớm nhất. Trầm cảm là một bệnh và cần được điều trị theo phác đồ, được theo dõi bởi các bác sĩ. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng nhận thức được dấu hiệu bệnh hoặc những thay đổi đang xảy ra với mình, đặc biệt là ở giai đoạn sớm. Vì vậy, người nhà nên đồng hành cùng các mẹ bỉm sữa trong quá trình chăm sóc con và hồi phục sau sinh để nhận biết những vấn đề từ sớm và có hướng giải quyết phù hợp", BS Thành nói.
Mộc Trà