Khó khăn thường gặp ở các thai phụ

Theo BS.CKI. Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng khoa sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An), nghén là một dấu hiệu phổ biến ở phụ nữ mang thai và được coi là một biểu hiện sinh lý bình thường, vì vậy mẹ bầu không cần quá lo lắng. Nghén thường cho thấy thai nhi đang phát triển khỏe mạnh, nhưng mức độ nghén có thể khác nhau ở từng người, với thời gian và cường độ cũng khác nhau.

Các triệu chứng của nghén có thể bao gồm mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu, thay đổi vị giác, cảm giác chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn mửa. Trong những trường hợp nghén nặng, mẹ bầu có thể nôn nhiều đến mức không thể ăn uống gì, dẫn đến suy nhược cơ thể, mất nước, rối loạn điện giải. Ở một số trường hợp, tình trạng này có thể làm tăng áp lực trong ổ bụng, gây nguy cơ sẩy thai.

leftcenterrightdel
 Để thai nhi phát triển khỏe mạnh và không gặp rủi ro, thai phụ nên chủ động tìm hiểu về các triệu chứng, biến chứng thường gặp trong các giai đoạn mang thai.

Ngoài ra, táo bón là một tình trạng thường gặp ở thai phụ, do sự thay đổi nội tiết tố, áp lực từ thai nhi, cùng với chế độ ăn thiếu chất xơ, việc uống viên sắt và ít hoạt động thể chất. Hiện tượng này khiến các mẹ bầu dễ mắc táo bón, thậm chí có thể dẫn đến trĩ.

Chuột rút cũng là những vấn đề thường xuyên xảy ra, gây đau nhức và bất tiện cho thai phụ trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân thường là do thiếu hụt một số vi khoáng như canxi và magie, bởi nhu cầu của cơ thể tăng cao trong thời kỳ mang thai.

Đau lưng cũng là một biểu hiện phổ biến ở thai phụ. Nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến các khớp và dây chằng, sự thay đổi trọng tâm cơ thể, hoặc do tư thế không đúng. Cảm giác đau ở vùng lưng hông thường gia tăng khi thai nhi phát triển, gây khó chịu cho mẹ bầu.

Ngoài ra, tâm trạng lo âu cũng là một vấn đề thường gặp ở nhiều thai phụ. Trong giai đoạn này, mẹ bầu phải đối mặt với nhiều khó khăn do những thay đổi trong cơ thể, dẫn đến cảm giác mệt mỏi. Thêm vào đó, họ thường lo lắng về việc làm thế nào để con phát triển khỏe mạnh, và băn khoăn liệu những triệu chứng trên có ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi hay không.

Làm gì để có thai kỳ mẹ tròn con vuông?

BS. Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc khám thai định kỳ là cách chăm sóc tốt nhất cho mẹ bầu và bé yêu. Đây là một công việc rất quan trọng, giúp mẹ bầu theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như những thay đổi trong cơ thể mình. Thai phụ nên bắt đầu khám thai ngay khi có dấu hiệu mang thai để nhận được những hướng dẫn khoa học về chăm sóc và theo dõi, đồng thời tiếp tục khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Trong giai đoạn này, thai phụ có thể thường xuyên gặp phải những khó khăn trong sinh hoạt. Điều quan trọng là cần bình tĩnh khắc phục những vấn đề này. Để làm được điều này, trước hết, thai phụ nên giữ tinh thần thoải mái, tránh những lo lắng không cần thiết, đồng thời đảm bảo cân bằng giữa công việc, nghỉ ngơi và vận động hợp lý.

leftcenterrightdel
 Một chế độ ăn khoa học, bổ dưỡng, đủ nhóm chất là điều rất quan trọng đối với sự phát triển của bé và đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.

Việc chăm sóc trước sinh gồm 3 tháng đầu tính từ ngày đầu kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày. Mục đích giai đoạn này xác định có thai, xác định vị trí làm tố của thai, lập hồ sơ quản lý thai, tính tuổi thai, dự kiến ngày sinh; xác định thai bình thường hay bất thường (thai lưu, thai trứng, thai vô sọ; phát hiện các bệnh lý phụ khoa kèm theo như: u xơ tử cung, u buồng trứng; sàng lọc, phát hiện yếu tố nguy cơ và tư vấn chăm sóc, điều trị phù hợp và phát hiện sớm các dấu hiệu bị bạo lực, lạm dụng các chất kích thích để có chăm sóc phù hợp.

3 tháng giữa kỳ tính từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày. Giai đoạn này đánh giá sự phát triển của thai, sự đáp ứng của cơ thể mẹ với thai nghén. Sàng lọc một số bệnh như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật. Tiêm vaccine phòng uốn ván, tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm cần đến cơ sở y tế.

3 tháng cuối tính từ tuần 29 đến tuần 40. Đánh giá sư phát triển của thai. Cũng như phát hiện một số bất thường của thai. Xác định ngôi thai, thế, kiếu thế. Đánh giá sức khỏe bà mẹ; phát hiện các tai biến sản khoa thường gặp như tiền sản giật, rau tiền đạo, rau bong non.... Tư vấn các dấu hiêu nguy hiểm cần đến cơ sở y tế ngay. Tư vấn về các dấu hiêu chuyển dạ, chuẩn bi cho cuộc đẻ. Tư vấn chọn cách đẻ, nơi đẻ, các phương pháp giảm đau trong và sau đẻ, cho trẻ nằm da kề da với mẹ ngay sau khi đẻ và cho trẻ bú sớm, nuôi con bằng sữa mẹ...

Trong quá trình mang thai, thai phụ cần chú ý tăng cường rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ trong khẩu phần ăn, uống nhiều nước và duy trì hoạt động thể chất phù hợp như đi bộ, bơi lội hoặc tập yoga. Những biện pháp này sẽ giúp hạn chế táo bón, giảm đau lưng và nâng cao tinh thần.

Mẹ bầu cũng nên giữ tư thế đúng khi đi lại, làm việc hoặc nghỉ ngơi, đồng thời tránh đi giày cao gót và không nên cúi người về phía trước.

Các bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần chú ý đến dinh dưỡng phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi. Nhu cầu về chất dinh dưỡng của mẹ bầu tăng cao so với trước khi mang thai, đặc biệt là các chất như DHA, ALA, Lutein, Cholin, Sắt, Axit folic, Canxi, và vitamin D.

Cùng với đó, thai phụ nên duy trì chế độ ăn uống đa dạng, đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, bổ sung sữa bầu và uống đầy đủ viên sắt cũng như axit folic suốt thai kỳ. Nếu có chỉ định của bác sĩ, mẹ cũng nên uống các viên vi khoáng.

Một thai kỳ thường gặp nhiều khó khăn, dù ít hay nhiều, vì vậy cần có sự hợp tác và hỗ trợ tốt giữa bác sĩ và thai phụ để đạt được kết quả tốt nhất, giúp mẹ khỏe mạnh và bé chào đời an toàn. Để đảm bảo điều này, mẹ bầu cần đi khám thai đúng lịch, được bác sĩ sản khoa theo dõi và tư vấn định kỳ ngay từ khi mang thai.

Theo suckhoedoisong.vn