Khi mới sinh, dạ dày của trẻ rất bé nên trẻ ít có nhu cầu bú sữa, cơ thể mẹ thường chưa tiết được nhiều sữa. Tuy nhiên, khi đã quen với việc bú mẹ, nhu cầu sữa của trẻ tăng lên, lúc này, cơ thể mẹ cũng tiết nhiều sữa hơn. Tham khảo một số mẹo dưới đây giúp "gọi" sữa mẹ về nhiều, mẹ không lo thiếu sữa.

1. Hãy cho bé bú sữa mẹ ngay sau khi sinh

Các chuyên gia khuyến nghị nên cho trẻ bú mẹ sớm nhất có thể, tốt nhất là trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi sinh để tận hưởng được dòng sữa non quý giá, chứa nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ.

6 cách hữu ích giúp tăng nguồn sữa mẹ sau sinh- Ảnh 1.

Động tác bé mút sữa mẹ sẽ tạo nên kích thích tuyến vú, giúp tiết sữa nhiều hơn.

Khi vừa mới sinh, ngực của mẹ đã bắt đầu có sữa. Loại sữa này được gọi là sữa non và chỉ tồn tại khoảng 48 giờ sau khi sinh. Trẻ cần được bú sữa non ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Đây cũng là cách tăng tiết sữa cho mẹ mới sinh nhờ sự kích thích tuyến sữa hoạt động tốt hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Các bà mẹ cần nhớ rằng chính động tác mút ti của em bé là điều quan trọng kích thích tăng tiết sữa nhiều hơn. Sự kích thích này giúp lượng sữa mẹ về ổn định và nhiều hơn.

2. Cho bú cạn hoặc hút sữa thường xuyên

Cơ thể mẹ sản xuất sữa trên cơ sở cung và cầu, vì vậy nếu muốn tăng cường nguồn sữa, bà mẹ cần phải cho bé bú cạn sữa trong bầu ngực. Người mẹ có thể làm điều này bằng cách cho bé ăn thường xuyên hơn trong ngày nếu bé muốn, hoặc cần phải hút sữa thường xuyên hơn nếu con bạn kéo dài thời gian giữa các cữ bú.

Mẹ hãy cho bé bú theo nhu cầu của bé, đến khi no bụng bé sẽ tự động nhả núm ti ra. Trong trường hợp bé ngủ nhiều, không đòi bú, mẹ nên đánh thức trẻ dậy để bú. Thường xuyên làm cạn nguồn sữa sẽ giúp cơ thể sản xuất nhiều sữa hơn.

3. Hút sữa sau khi cho con bú

Đôi khi có những trẻ chỉ bú một bên hoặc bé vừa ăn vừa ngủ nên sẽ không mút hết sữa. Để "làm trống" bầu ngực, mẹ nên vắt hết sữa thừa hoặc dùng máy hút sữa sau khi bé bú xong. Điều này sẽ giúp báo hiệu cho cơ thể bà mẹ cần phải sản xuất nhiều sữa hơn, làm tăng nguồn cung cấp sữa.

6 cách hữu ích giúp tăng nguồn sữa mẹ sau sinh- Ảnh 2.

Hút sữa sẽ giúp mẹ tạo phản xạ xuống sữa nhiều ổn định cho bé bú.

4. Ngủ đủ giấc lành mạnh

Hầu hết các bà mẹ khi ở cữ thường không được ngủ đủ giấc vì phải thức dậy để cho con ăn cữ đêm. Giấc ngủ ngon sẽ giúp cơ thể mẹ dễ dàng duy trì nguồn sữa hơn. Do đó, bà mẹ cần tranh thủ ngủ trưa khi trẻ ngủ và hãy tập trung vào việc có được giấc ngủ chất lượng. Có thể nhờ chồng, người thân trông con để mẹ có giấc ngủ trưa trọn vẹn.

PGS.TS. BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia:
Bà mẹ nên ngủ đủ giấc, ngủ đủ, sâu giấc sẽ đưa sữa về nhiều hơn. Khi bà mẹ mất ngủ thì cũng giảm tiết sữa.
 
 5. Tiếp xúc da kề da nhiều hơn

Những lợi ích của việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và con ngay sau khi sinh đã được ghi nhận rõ ràng. Việc tăng thời gian tiếp xúc da kề da trong khoảng thời gian ở cữ cũng giúp ích cho việc kích thích cơ thể mẹ sản xuất prolactin nhiều hơn. Hormone này đóng vai trò chính trong việc kích thích sản xuất sữa.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc da kề da có thể giúp bé làm quen với mùi hương của mẹ, giúp bé quen hơn với việc nhận biết núm vú và phát triển khớp ngậm an toàn. Việc bú không tốt có thể khiến trẻ sơ sinh khó bú đủ sữa, điều này dẫn đến giảm nguồn sữa mẹ.

6. Bà mẹ chăm sóc bản thân tốt giúp tiết sữa nhiều hơn

Bà mẹ mới sinh thường dành phần lớn sự tập trung chăm sóc vào em bé. Nhưng bà mẹ cũng cần chăm sóc sức khỏe của mình. Hãy thực hành những thói quen chăm sóc bản thân tốt và em bé mới sinh sẽ có lợi hơn nhờ điều đó.

Bên cạnh việc cố gắng để có được giấc ngủ ngon, bà mẹ hãy cố gắng vận động nhẹ nhàng, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước và tìm cách giải tỏa căng thẳng, cho dù đó là tập yoga, tập thở hay tắm nước ấm. Cơ thể mẹ sẽ sản xuất sữa dễ dàng hơn khi bà mẹ biết cách ưu tiên sức khỏe của mình.

Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm lưu ý, các mẹ nên bổ sung thêm canxi, viên đa chất dinh dưỡng cho thời kỳ cho con bú để tăng chất lượng và số lượng sữa mẹ.

Theo suckhoedoisong.vn