Các thói quen sinh hoạt bao gồm mức độ hoạt động, những gì chúng ta ăn và uống, những gì chúng ta thở và ngủ bao nhiêu, có xu hướng ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe và khả năng sinh sản của chúng ta.
Chia sẻ với Hindustan Times Lifestyle, tiến sĩ Sulbha Arora, Giám đốc lâm sàng tại Nova IVF Fertility ở Mumbai (Ấn Độ), tiết lộ 6 yếu tố có thể gây mất cân bằng nội tiết tố và ảnh hưởng khả năng sinh sản của một người.
Hút thuốc
Khói thuốc lá chứa tới 4.000 hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho cơ thể. Nó không chỉ gây hại cho phổi và tim mạch mà còn ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.
Ở nam giới, hút thuốc dẫn đến số lượng tinh trùng thấp, khả năng di chuyển của tinh trùng kém, tỷ lệ tinh trùng bất thường cao hơn và tăng sự phân mảnh DNA của tinh trùng. Những yếu tố này có thể góp phần làm giảm cơ hội thụ thai.
Ở phụ nữ, hút thuốc ảnh hưởng chất lượng và số lượng trứng vì tế bào trứng bị teo nhanh hơn. Thói quen này cũng làm tăng nguy cơ sẩy thai và mang thai ngoài tử cung.
Tin tốt là việc bỏ thuốc lá sẽ đảo ngược những ảnh hưởng này đối với khả năng sinh sản. Trong vòng một năm sau khi bỏ thuốc, khả năng sinh sản sẽ được phục hồi trở lại bình thường. Vì vậy, nếu bạn đang cố gắng thụ thai, bây giờ là thời điểm tốt để bỏ hút thuốc và giữ gìn sức khỏe.
Mang thai muộn
Yếu tố quyết định quan trọng nhất đối với cơ hội thụ thai của một cặp vợ chồng là tuổi của phụ nữ. Không giống đàn ông sản xuất tinh trùng hàng ngày trong suốt cuộc đời, phụ nữ được sinh ra với một số lượng trứng cố định và số lượng này bắt đầu giảm ngay từ khi sinh ra.
Phụ nữ không thể tạo ra trứng, họ chỉ có thể dự trữ trứng mà cơ thể chứa sẵn khi sinh ra. Buồng trứng của một cô gái chứa khoảng 1-2 triệu trứng khi mới sinh và bắt đầu giảm dần ngay từ lúc sinh ra. Vào thời điểm có kinh lần đầu tiên, con số này đã giảm xuống còn 300.000-400.000, sau đó tiếp diễn trong suốt đời. Sau 30 tuổi, chất lượng và số lượng trứng suy giảm nhanh hơn.
Ngoài ra, sau 35-40 tuổi, chất lượng tinh trùng ở nam giới cũng suy giảm. Vì vậy, việc trì hoãn kết hôn và sinh con có thể ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai sau này khi đồng hồ sinh học chậm lại.
|
|
Kết hôn và sinh con muộn có thể làm giảm khả năng thụ thai ở cả 2 giới. Ảnh: Carolinasfertilityinstitute |
Béo phì
Chỉ số BMI cao trên 25 có thể ảnh hưởng chất lượng trứng ở phụ nữ và chất lượng tinh trùng ở nam giới. Béo phì làm rối loạn nội tiết tố trong cơ thể. Tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe trong thai kỳ như huyết áp cao, lượng đường cao và rối loạn cương dương ở nam giới.
Duy trì chỉ số BMI khỏe mạnh trong khoảng 20-25 tăng cơ hội thụ thai của cặp đôi. Điều này nên kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Chế độ dinh dưỡng kém
Với nhịp sống hối hả ngày nay, việc tuân thủ lịch trình đều đặn và ăn các bữa ăn bổ dưỡng không còn. Chúng ta thường có xu hướng ăn đồ ăn vặt hoặc đồ ăn nhanh có thể không tốt cho sức khỏe.
Ăn quá nhiều thực phẩm đóng gói có chứa chất bảo quản cũng có hại. Những chất bảo quản này là hóa chất làm rối loạn nội tiết tố của cơ thể và dẫn đến chất lượng trứng, tinh trùng kém.
Căng thẳng
Mức độ căng thẳng cao thường liên quan việc khó thụ thai vì làm gián đoạn nội tiết tố trong cơ thể. Ví dụ, nồng độ prolactin cao thường là kết quả của mức độ căng thẳng cao và làm gián đoạn quá trình rụng trứng ở phụ nữ, giảm ham muốn tình dục ở nam giới.
Hormone căng thẳng có thể làm gián đoạn quá trình rụng trứng. Căng thẳng quá mức cũng có thể dẫn đến nồng độ testosterone thấp và LH (hormone tạo hoàng thể) cao ở nam giới.
Ngủ không đủ giấc
Giấc ngủ rất cần thiết cho sự phục hồi của các mô và cơ quan khác nhau trong cơ thể. Ngủ đủ giấc đảm bảo hệ thống nội tiết hoạt động tốt. Ngủ không điều độ gây mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến vô sinh ở nam và nữ.
Theo Zingnews