leftcenterrightdel
 

Thai to là gì?

Khi mang thai, mẹ bầu sẽ đi khám định kỳ để các bác sĩ chẩn đoán, đánh giá mức độ tăng trưởng của con. Trong một số trường hợp, thai nhi phát triển vượt quá mong đợi. Một số bà mẹ cảm thấy vui mừng khi bác sĩ thông báo bé cưng trong bụng phát triển đạt đến mức thai to. Thực tế, điều này không hề có lợi cho cả mẹ lẫn con.

Cân nặng trung bình của thai nhi khi sinh ra đời thường sẽ là 2,8 – 3,5kg nếu bé sinh đủ tháng. Một thai nhi nặng hơn 4kg thì sẽ được gọi là thai to. Việc này không hề tốt chút nào. Bởi cân nặng của thai nhi sẽ tỉ lệ thuận với nguy cơ mẹ bầu gặp khó khăn khi sinh nở và em bé bị chấn thương trong quá trình sinh.

Các bé nặng hơn 4,5kg sẽ có nguy cơ gặp biến chứng cao. Nguy cơ này càng cao hơn khi bé nặng trên 5kg.

leftcenterrightdel
 

Nguyên nhân dẫn đến thai to

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng và kích thước của thai nhi. Nhiều nghiên cứu cho rằng, cân nặng của mẹ bầu, sức khỏe và yếu tố di truyền đều ảnh hưởng đến tình trạng thai to. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân sau:

Lượng đường trong máu cao: Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh con thai to.

Từng có thai to trước đây: Nếu em bé trước đó khi chào đời nặng hơn 4kg thì đứa trẻ sau cũng có nguy cơ như vậy.

Thừa cân khi mang thai: Nếu mẹ bầu bị béo phì lúc mang thai, thai nhi cũng bị ảnh hưởng.

Tăng cân "chóng mặt" khi mang thai: Những gì bạn bạn ăn và số cân nặng tăng lên trong thời gian bầu bí sẽ ảnh hưởng đến trọng lượng của em bé khi chào đời.

Tuổi tác của người mẹ: Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng gặp phải tình trạng thai to nếu trên 35 tuổi mới mang bầu.

Ăn nhiều các loại tinh bột đã qua chế biến: Nhiều nghiên cứu đã chỉ rằng việc ăn các thực phẩm giàu chất bột đường không chỉ khiến mẹ bầu tăng cân, mà còn có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của thai nhi. Điều này còn làm tăng nguy cơ cơ quan của thai nhi phát triển một cách phì đại.

leftcenterrightdel
 

Thai to có nguy hiểm không?

Khi cân nặng của thai nhi vượt quá bình thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình vượt cạn, chẳng hạn như: Thời gian sinh con kéo dài hơn bình thường, mẹ thường phải sinh mổ, em bé có nguy cơ bị gãy xương đòn hoặc 1 số xương khác. 

Ngoài ra, bé có thể không nhận được đủ lượng không khí cần thiết. Đặc biệt thai to có thể khiến sinh khó. Em bé quá to dễ dẫn đến nguy cơ khó sinh do kẹt vai. Tình trạng này có thể gây tổn thương một số dây thần kinh ở cánh tay, vai của bé và gây tổn thương vùng chậu của mẹ.

Khi thai to, mẹ cũng phải đối mặt với các nguy cơ như:

- Vỡ tử cung

- Băng huyết sau sinh

- Tổn thương vùng đáy chậu trong khi sinh như rách tầng sinh môn hoặc đau ở xương sống

- Tiêu tiểu không tự chủ: rỉ nước tiểu khi bạn hắt hơi, cười hoặc nhảy, són phân.

Ngoài ra, khi trẻ thừa cân nặng khi sinh ra có thể gặp các vấn đề như:

- Gặp chấn thương khi sinh ở đầu, vai, tay, xương đòn do bác sĩ dùng dụng cụ hỗ trợ đỡ sinh.

- Trẻ sơ sinh lớn hơn bình thường có nhiều nguy cơ bị hạ đường huyết sau sinh.

- Em bé dễ gặp vấn đề về hô hấp do sinh khó hoặc hít phải phân su.

- Thời gian nằm viện lâu hơn bình thường do bác sĩ muốn quan sát bé kỹ lưỡng hơn.

- Cân nặng khi sinh cũng có liên quan đến cân nặng sau này. Thai lớn có thể dẫn đến béo phì ở trẻ trong tương lai và các vấn đề sức khỏe đi kèm.

leftcenterrightdel
Mẹ bầu mang thai to có thể dẫn đến khó sinh. (Ảnh minh họa) 

Làm thế nào để biết thai to hay không?

Bề cao tử cung: Khi đi khám thai, bác sĩ sẽ đo bề cao tử cung (khoảng cách từ xương mu đến đỉnh tử cung) của mẹ bầu. Thông thường, khi thai kỳ bước qua tuần thứ 16, độ dài đo được của bề cao tử cung sẽ tương ứng với tuổi thai tính theo tuần. Nếu bề cao tử cung có kích thước lớn hơn dự kiến, đây có thể là dấu hiệu thai to.

- Nước ối quá nhiều: Việc mẹ bầu có quá nhiều nước ối có thể là một dấu hiệu cho thấy thai lớn hơn mức trung bình. Lượng nước ối phản ánh lượng nước tiểu của em bé và thai to sẽ tiết ra nhiều nước tiểu hơn.

Thai to thì phải làm sao?

Để tránh biến chứng khi thai to, mẹ bầu cần đi khám thường xuyên để các bác sĩ có thể theo dõi kịp thời. Ngoài ra, chị em cần:

Kiểm soát mức tăng cân của bản thân: Hãy hỏi bác sĩ để có được thực đơn ăn uống phù hợp. Đừng nên ăn uống vô tội vạ với suy nghĩ "ăn cho 2 người".

Mức tăng cân lý tưởng gợi ý cho mẹ bầu qua từng tam cá nguyệt cụ thể như sau:

Tam cá nguyệt thứ nhất: khoảng: 0,8 – 8kg

Tam cá nguyệt thứ hai: khoảng 5 – 6kg

Tam cá nguyệt thứ ba: 3 – 5kg.

Kiểm soát lượng đường trong máu: Nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ để kiểm soát tình trạng này. Việc kiểm soát lượng đường trong máu là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai, bao gồm cả thai to.

- Vận động đều đặn, nhẹ nhàng: Việc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp mẹ bầu tiêu hao những calo thừa. Từ đó sẽ cải thiện sức khỏe cũng như hạn chế nguy cơ phát triển thai to.

Hướng Dương HT