Các trò chơi kích thích sự ham hiểu biết ở trẻ. Ảnh minh họa

Thực tế, trí sáng tạo tích cực và sinh động sẽ là nguồn kích thích trẻ mạnh mẽ trong mọi hành động, cổ vũ trẻ hăng say học tập, góp phần gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống. Theo tâm lý học lứa tuổi, trẻ em từ 2 tuổi trở lên, trí tò mò và sáng tạo đã bắt đầu hình thành và giúp chúng khám phá thế giới. Nhờ trí sáng tạo, bé hình dung ra nhiều hình ảnh phong phú và phá tan sự đơn điệu, tẻ nhạt trong cuộc sống. Phát huy trí sáng tạo cho trẻ chính là đặt nền móng tốt đẹp cho sự thành đạt sau này.

Các nhà khoa học phát minh ra máy dệt, máy bay, đèn điện, tàu thủy… đều xuất phát từ trí sáng tạo. Tuy nhiên, trí sáng tạo không phải do bẩm sinh, di truyền mà phải được bồi dưỡng từ trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, để phát triển trí sáng tạo cho con, các bậc phụ huynh nên lưu ý:

- Cùng trẻ tham gia các trò chơi mang tính sáng tạo. Vui chơi là hoạt động chủ đạo vô cùng cần thiết của trẻ. Cha mẹ có thể khuyến khích con chủ động xây dựng những chủ đề và nội dung của các trò chơi, tự làm các đồ chơi từ những nguyên vật liệu có sẵn trong nhà như làm diều, xếp hộp quà, làm hoa… Như vậy, khả năng tưởng tượng của trẻ có thể nâng cao rất nhanh.

- Tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc nhiều với hình ảnh thẩm mỹ. Cha mẹ đưa trẻ đi xem triển lãm tranh để trẻ có cơ hội ngắm những bức tranh mang tính nghệ thuật, cho trẻ sống hoà mình với thiên nhiên để trẻ quan sát thế giới tự nhiên. Nếu có điều kiện, hãy cho con tham quan các làng nghề thủ công mỹ nghệ nhằm khơi gợi trí tưởng tượng sáng ở trẻ. Khích lệ trẻ vẽ ra những gì chúng hình dung được. Trong khi trẻ hình dung các biểu tượng, tốt nhất cha mẹ không nên gợi ý sẵn chủ đề, mà để cho con nghĩ sao vẽ vậy. Như thế mới tạo cho trẻ một không gian tưởng tượng rộng mở. Nếu thật cần thiết, cha mẹ cũng có thể vẽ phác họa ra những nét chính rồi để trẻ tưởng tượng và hoàn thiện bức tranh.

- Kể chuyện ngụ ngôn và cổ tích để phát triển trí tưởng tượng bay bổng cho trẻ. Trẻ thường xuyên được nghe kể những câu chuyện ngụ ngôn thì trí thông minh, tưởng tượng cũng phong phú hơn những bé không được nghe hoặc ít được nghe cha mẹ kể chuyện. Sau khi kể cho con nghe, cha mẹ nên động viên con đóng vai một nhân vật nào con yêu thích, rồi kể lại câu chuyện hoặc tóm tắt, nêu lại cảm nghĩ, bài học rút ra cho bản thân. Nhằm phát huy cao độ trí sáng tạo của con, đôi lúc cha mẹ chỉ nên kể giữa chừng câu chuyện rồi để trẻ tưởng tượng kể tiếp. Khuyến khích trẻ hình dung ra nhiều cách kết thúc câu chuyện sao cho hấp dẫn. Khi kể lại câu chuyện, trẻ có thể thêm hoặc bớt các chi tiết, cha mẹ nên hoan nghênh để trẻ ngày càng tưởng tượng tốt hơn và nội dung càng sâu sắc hơn.

- Động viên con mô tả lại những gì cảm thấy thú vị. Trẻ có trí tưởng tượng rất phong phú nhưng do hạn chế về ngôn ngữ và hiểu biết cuộc sống nên gặp khó khăn khi diễn đạt những hình ảnh mà mình yêu thích. Tuỳ theo lứa tuổi, môi trường sống… sức sáng tạo của trẻ sẽ có sự khác nhau. Do đó, cha mẹ cần chú ý để chỉ dẫn, khuyến khích cho phù hợp. Có thể trẻ sẽ có sự sáng tạo ngây ngô, hoang đường nhưng hãy chăm chú lắng nghe và định hướng tế nhị để kích thích hứng thú và sự phát triển trí tuệ ở trẻ.

- Kích thích trí tò mò, ham hiểu biết ở trẻ. Chính sự tò mò, hiếu kỳ sẽ là động lực thúc đẩy trẻ khao khát và khám phá những điều bí ẩn trong thế giới. Đó cũng là điều kiện quan trọng để phát triển sức tưởng tượng phòng phú. Nếu biết cách kết hợp khéo léo giữa lòng hiếu kỳ với óc tưởng tượng khoa học thì trẻ sẽ sớm có được tính sáng tạo.

Giảng viên tâm lý học Lê Phạm Phương Lan