Ảnh minh họa.

Ăn nhiều bữa: Ăn quá nhiều trong một bữa cũng gây ợ nóng. Do đó, thai phụ nên ăn ít nhưng ăn nhiều bữa để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con. Bạn có thể ăn 6 bữa/ngày thay vì chỉ dùng 3 bữa. Đồng thời, thai phụ nên ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn được tiêu hóa dễ hơn. Tâm trạng thoải mái khi ăn cũng góp phần giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, giảm ợ nóng.

Uống đúng cách: Uống từ 8 đến 10ly nước/ngày. Tuy nhiên, bạn không nên nhiều sữa hoặc nước trong một lúc khi khát mà nên chia nhỏ lượng nước, uống nhiều lần. Bởi uống nhiều chất lỏng cùng lúc khiến dạ dày phồng to, tạo điều kiện thuận lợi cho trào ngược acid.

Hoạt động sau bữa ăn: Sau khi ăn, thai phụ nên đi dạo nhẹ để thư giãn hoặc ngồi đọc sách. Không nên nằm trong vòng 60 phút sau khi ăn cũng như làm việc đòi hỏi bạn phải cúi người. Nếu bạn buộc phải nằm thì nên nằm nghiêng bên trái. Tư thế này khiến dạ dày lệch sang một bên, acid phải vượt qua nhiều đoạn ruột để đến thực quản. Hơn nữa, ngủ nghiêng bên trái làm tăng lưu lượng đến nhau thai. Bên cạnh đó, nhai kẹo cao su sau bữa ăn cũng làm tăng khả năng tiết nước bọt khiến nồng độ acid trong miệng giảm và giảm khả năng acid trào ngược, hạn chế ợ nóng.

Ngủ nên gối đầu: Tiến sĩ Joel Richter, Giám đốc bộ phận của khoa Dinh dưỡng và Tiêu hóa tại Đại học South Florida (Mỹ) khuyên rằng, nếu hay bị ợ nóng, trước khi đi ngủ khoảng 2 giờ, thai phụ không nên ăn. Các loại chất lỏng cũng cần hạn chế sử dụng trong thời gian này. Khi ngủ, nên có gối đầu để giảm nguy cơ trào ngược acid.

Hạn chế thực phẩm dễ gây ợ nóng: Chất béo, caffeine, đồ uống có ga, chocolate, trái cây có múi, đều thuộc nhóm thực phẩm khiến khiến lượng acid tăng cao hơn bình thường và làm dạ dày co bóp mạnh hơn. Tuy nhiên, để cân bằng và bổ sung đầy đủ dưỡng chất, nếu sử dụng trái cây có múi, chị em không nên ăn lúc đói, vì sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày. Không chỉ thực phẩm mà nhóm gia vị như bạc hà, ớt, giấm ớt tỏi cũng tác động đến dạ dày. Bạc hà làm giảm khả năng co thắt của thực quản, khiến acid pantothenic phát triển mạnh. Gia vị cay làm tăng khả năng trào ngược acid.

Mặc quần áo rộng: Mặc quần áo chật sẽ gây áp lực lên bụng, có thể làm gia tăng trào ngược acid, gây ợ nóng. Vì thế, thai phụ nên mặc đồ rộng, vừa tránh ợ nóng, vừa giúp di chuyển, sinh hoạt dễ dàng.

Gừng, sữa chua và đu đủ: Gừng và sản phẩm từ gừng có thể giảm bớt đầy bụng, chống buồn nôn - phản ứng đi kèm với ợ nóng. Sau bữa ăn, bổ sung probiotics giúp trung hòa acid trong thực quản, tiêu diệt một số vi khuẩn gây bệnh. Nếu bạn không thích ăn sữa chua có thể thay bằng sữa hoặc kem.

Đu đủ chứa các enzyme tiêu hóa làm dịu dạ dày. Đu đủ tươi, khô, đóng hộp, nước ép đu đủ tươi, đều an toàn cho chị em trong thời kỳ mang thai. Do đó, thai phụ nên bổ sung hợp lý loại quả trên để tốt cho cả mẹ và thai nhi.

Theo nhiều chuyên gia y tế, nếu áp dụng những biện pháp trên mà tình trạng ợ nóng không thuyên giảm, khiến bạn khó chịu, mệt mỏi… thì nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Bởi tình trạng này có thể được hạn chế bằng việc sử dụng một số thuốc. Tuy nhiên, sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai có nhiều mặt trái. Do đó, trước khi sử dụng thuốc, bà bầu cần thăm khám và chỉ uống theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Ngô Diệp