Hệ khuẩn đường ruột bao gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn, khi cơ thể khỏe mạnh, hệ vi khuẩn đường ruột sẽ ở trạng thái cân bằng để duy trì sức khỏe của hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, khi trẻ bị ốm, việc sử dụng kháng sinh để tiêu diệt các vi khuẩn gây hại cũng "vô tình" tiêu diệt cả lợi khuẩn gây mất cân bằng đường ruột gây rối loạn tiêu hóa.
Các loại kháng sinh dễ gây tiêu chảy nhất là ampicillin, amoxicillin, các cephalosporin, erythromycin và clindamycin… Những rối loạn tiêu hóa do uống kháng sinh thường gặp ở trẻ là tiêu chảy, đau bụng và táo bón.
1. Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa do dùng kháng sinh ở trẻ
Đa số các trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa do kháng sinh sẽ có diễn biến nhẹ, với các biểu hiện phổ biến bao gồm:
- Tiêu chảy: Đi đại tiện nhiều lần, phân lỏng.
- Táo bón: Tần suất đi đại tiện giảm, phân khô, cứng, bụng có thể đầy hơi.
- Trẻ chán ăn, giảm cân, hấp thụ kém sau một thời gian dài sử dụng.
Một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa kèm theo sốt và buồn nôn.
2. Bổ sung gì cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa do kháng sinh?
Thật may là có một số biện pháp giúp cải thiện và phục hồi hệ tiêu hóa của trẻ trong và sau điều trị bằng kháng sinh.
2.1. Uống men vi sinh
Uống kháng sinh có thể gây ra tiêu chảy do kháng kháng sinh. Một số nghiên cứu cho thấy dùng men vi sinh có thể giảm nguy cơ tiêu chảy có liên quan tới kháng sinh.
23 nghiên cứu trên 400 trẻ em cho thấy dùng men vi sinh cùng lúc với điều trị kháng sinh có thể giúp giảm hơn 50% nguy cơ tiêu chảy. Các nghiên cứu này nhấn mạnh tới men vi sinh Lactobacilli và Saccharomyces đặc biệt có hiệu quả.
|
|
Một số nghiên cứu cho thấy dùng men vi sinh có thể giảm nguy cơ tiêu chảy có liên quan tới kháng sinh (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên do bản thân men vi sinh thường là vi khuẩn nên chúng cũng có thể bị kháng sinh tiêu diệt nếu sử dụng cùng nhau. Vì thế thường bác sĩ sẽ chỉ định uống kháng sinh và men tiêu hóa cách nhau vài giờ (thường là 1 - 2 giờ).
Probiotics cũng nên được đưa vào chế độ phục hồi sau một thời gian sử dụng kháng sinh, giúp khôi phục hệ vi sinh vật đường tiêu hóa về trạng thái cân bằng ban đầu.
2.2. Ăn thực phẩm lên men
Một số thực phẩm lên men có thể giúp khôi phục hệ khuẩn đường ruột bị rối loạn do kháng sinh gây ra. Các thực phẩm này bao gồm sữa chua, pho mát, dưa bắp cải muối và kim chi... Chúng chưa các loại khuẩn lành mạnh như Lactobacilli. Bifidobacteria giúp củng cố hệ khuẩn tốt hơn.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người ăn sữa chua hoặc sữa chua lên men có lượng Lactobacilli trong ruột cao hơn và lượng khuẩn gây hại như Enterobacteria và Bilophila wadsworthia thấp hơn.
2.3. Ăn thực phẩm giàu chất xơ
Trẻ em thường không thích ăn rau nhưng khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa do uống kháng sinh thì cha mẹ cần thúc đẩy trẻ ăn nhiều chất xơ hơn để kích thích sự phát triển (phục hồi) của hệ vi khuẩn đường ruột.
Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, đậu, đậu lăng, quả mọng, bông cải xanh... Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bổ sung các thực phẩm nhiều chất xơ không chỉ kích thích hệ khuẩn có lợi phát triển mà còn giúp giảm sự phát triển của các vi khuẩn có hại.
|
|
Trẻ em thường không thích ăn rau nhưng khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa do uống kháng sinh thì cha mẹ cần thúc đẩy trẻ ăn nhiều chất xơ (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chất xơ có thể làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày dẫn tới chậm tốc độ hấp thu thuốc. Vì thế mà bạn có thể xem xét tới việc bổ sung chất xơ cho trẻ sau khi ngừng điều trị bằng kháng sinh.
2.4. Lưu ý
- Tránh một số loại thực phẩm làm giảm hiệu quả của kháng sinh như bưởi, nước ép bưởi ngăn cơ thể phân hủy kháng sinh đúng cách; thực phẩm bổ sung canxi cản trở hấp thụ kháng sinh bao gồm ciprofloxacin và gatifloxacin.
- Xây dựng một thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ. Đa dạng thực phẩm và đảm bảo có prebiotic để tạo ra một môi trường thuận lợi cho vi sinh vật đường ruột sinh sống và phục hồi. Các nguồn prebiotic bao gồm hoa quả, rau củ, các loại ngũ cốc, các loại đậu, sác sản phẩm lên men...
|
|
Xây dựng một thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ (Ảnh: Internet) |
- Nếu trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước giúp bù lại lượng nước đã mất, giảm nguy cơ sốc...
- Nếu trẻ biếng ăn, hãy chia nhỏ bữa ăn và nấu các món mềm, dễ ăn như cháo, súp mà vẫn đủ dinh dưỡng giúp giảm gánh nặng tiêu hóa cho trẻ.
- Giảm căng thẳng và hướng dẫn trẻ tập luyện thể dục đều đặn giúp kích thích sự phát triển và cải thiện tính toàn vẹn của hàng rào đường ruột, chống lại các rối loạn tiêu hóa.
Nếu như trẻ bị rối loạn tiêu hóa sau khi dùng kháng sinh kéo dài, kèm theo các biểu hiện phát triển nghiêm trọng hơn, cha mẹ cần nhanh chóng cho trẻ tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và can thiệp điều trị thay thế kháng sinh hoặc có phác đồ phù hợp. Không nên tự ý đổi thuốc hay sử dụng đơn thuốc cũ để điều trị cho trẻ có thể dẫn tới nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.
Nhưng nhìn chung, đa phần các trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa do kháng sinh sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị bằng kháng sinh.
Châu Anh (Nguồn: Healthline)