Bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của trẻ trong mùa nóng. Ảnh minh họa.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, dù mới vào đầu mùa hè nhưng trong những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, số bệnh nhi đến Khoa khám và điều trị tăng khoảng 10%-20% so với bình thường. Trung bình những ngày này có khoảng 300 trẻ đến Khoa khám và điều trị. Các bệnh nhi nhập viện chủ yếu mắc bệnh như: Tiêu chảy, sốt dịch do virus, viêm phổi, thủy đậu, viêm não… Trong đó, số bệnh nhân mắc các bệnh viêm đường hô hấp, và tiêu chảy chiếm đa số. Đáng lưu ý là các trường hợp viêm phổi nặng phải vào Khoa điều trị thường rơi vào trẻ dưới 1 tuổi. Do biểu hiện của bệnh ở độ tuổi này không rõ ràng, đôi khi chỉ là húng hắng ho, sốt nhẹ nhưng bệnh đã “âm thầm” trở nặng.
Số trẻ mắc bệnh hô hấp phải đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi TƯ những ngày gần đây cũng gia tăng. TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp khi trời nắng nóng là do các bậc phụ huynh để chế độ làm mát cho trẻ không đúng cách, cho trẻ nằm trực diện trước quạt hay luồng hơi máy lạnh khi người đẫm mồ hôi; hoặc để điều hòa nhiệt độ chênh lệch cao so với nhiệt độ bên ngoài trong khi trẻ hiếu động thường chạy ra chạy vào... Nhiệt độ thay đổi đột ngột cộng thêm những tác nhân gây bệnh ngoài môi trường như bụi bẩn, vi khuẩn… khiến trẻ dễ đổ bệnh. Ngoài ra, việc uống nước đá lạnh cũng là nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ em.
Từ đầu hè, khoa Nhi cũng tiếp nhận nhiều trẻ bị các bệnh viêm não. Nhiều trẻ được đưa đến viện trong tình trạng bệnh nặng hoặc rất năng. Nguyên nhân của tình trạng này là do triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do virus thông thường như sốt cao, chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác nên cha mẹ không phát hiện được và thường cho con điều trị tại nhà bằng các loại kháng sinh, hạ sốt… Khi bệnh trở nặng gia đình mới đưa trẻ đến viện khiến trẻ dễ bị biến chứng yếu chi, liệt nửa người.
Tránh tự ý dùng thuốc
TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, tình trạng tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị cho trẻ, đặc biệt là việc tự ý dùng kháng sinh vẫn diễn ra phổ biến. Kháng sinh không có hiệu quả điều trị sốt virus. Do đó, gia đình không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, bởi có thể dẫn đến những hậu quả khó lường như ngộ độc hoặc dị ứng kháng sinh. Trong đó, sốc phản vệ là trường hợp nặng nhất của dị ứng kháng sinh, có thể dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu đúng và kịp thời.
Để phòng tránh bệnh, đặc biệt là bệnh hô hấp trong mùa nắng nóng, việc đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và an toàn vệ sinh thực phẩm là rất quan trọng. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần lưu ý tiêm phòng hoặc cho trẻ uống vaccine đầy đủ; không để nhiệt độ phòng ngủ quá thấp so với ngoài trời; không nên để trẻ ra ngoài khi nắng to; bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng của trẻ…
Hải Minh/ Phụ nữ Việt Nam
Theo các chuyên gia y tế, việc nhận biết trẻ mắc bệnh ở mức độ nặng hay nhẹ là không đơn giản, đặc biệt với người không có chuyên môn. Thực tế, có nhiều trẻ chỉ sốt 38oC nhưng bệnh đã nặng. Do đó, khi trẻ có các biểu hiện bất thường như mệt mỏi, chán ăn, bỏ bữa, sốt, phát ban, ho, sổ mũi, ói, tiêu chảy… gia đình cần theo dõi sát và đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất. Tùy từng trường hợp và mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị hay chuyển lên tuyến cao hơn kịp thời. |