1. Đông y có chữa được tắc tia sữa?
Tắc tia sữa là tia sữa bị ứ lại ở ống dẫn sữa và không chảy ra ngoài được. Khoảng 1 ngày sau tích tụ thành hòn và cục gây đau cho mẹ sau sinh.
Nguyên nhân gây tắc tia sữa theo Đông y là do thấp nhiệt, do can phong làm cho kinh lạc bị trở trệ, huyết dịch lưu thoát không tốt, gây ứ đọng làm cho nhũ phòng bị cương tụ, tuyến sữa ách tắc, gây đau đớn, làm người mẹ không ăn uống, không ngủ được, đặc biệt là thiếu sữa cho em bé.
Đông y có nhiều bài thuốc, xoa bóp, bấm huyệt giúp lợi sữa, bổ khí huyết tránh tắc tia sữa.
2. Cách xử trí khi bị tắc tia sữa
Để làm tan các vị trí tuyến sữa bị ứ đọng, vón cục. Khi bị tắc tia sữa, cần thực hiện các thao tác giúp ống sữa của mẹ lưu thông nhanh chóng, cụ thể:
Trước khi cho bé bú, mẹ nên cởi hoàn toàn áo ngực để lượng sữa được lưu thông không bị hạn chế. Làm ấm ngực bằng việc đặt một tấm gạc hoặc khăn ấm, kết hợp với massage nhẹ.
Mẹ nên cho bé bắt đầu với bên ngực bị tắc. Mẹ cần xoa bóp bầu vú nhẹ nhàng theo chuyển động tròn, bắt đầu từ phía sau của vùng tắc cho tới phía trước núm vú.
Khi bé bú không hết, mẹ cần dùng tay hoặc máy hút sữa để loại bỏ phần sữa còn dư, đảm bảo không có sữa đọng lại.
Cách massage vòng tròn quanh bầu vú.
- Một tay đỡ bầu vú ở phía dưới, một tay mát-xa bầu vú theo chiều từ trên xuống thật nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương các tuyến sữa. Nhờ sự vuốt ve nhẹ nhàng này mà các tuyến sữa sẽ được kích thích để lan rộng ra khắp các hạch bạch huyết ở da. Mẹ nhớ là không nhấn sâu xuống mà chỉ vuốt nhẹ.
- Dùng đầu ngón cái ấn vào vùng gần đầu ti và vuốt xuống.
- Dùng ngón cái và ngón trỏ, bóp vào đầu ti và vuốt nhẹ nhiều lần để sữa ra ngoài.
- Dùng một miếng gạc lạnh đắp lên bầu ngực để giảm sưng sau khi massage thành công.
Nếu tình trạng tắc tia sữa vẫn không đỡ, mẹ có biểu hiện ấm sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và hỗ trợ. Tránh tình trạng viêm nhiễm hay áp xe vú.
3. Tắc tia sữa có chữa khỏi được không?
Tắc tia sữa nhẹ có thể tự khỏi nếu cho bé bú hoặc hút sữa thường xuyên nên không gây nguy hiểm. Với trường hợp nặng cần can thiệp y tế sớm sẽ khỏi hoàn toàn.
4. Cách chăm sóc bệnh tắc tia sữa tại nhà
Tại nhà, để thông tắc sữa mẹ nên cho bé bú trực tiếp và thường xuyên. Nếu mẹ đang nghĩ đến việc ngừng cho con bú sữa mẹ vào lúc này, mẹ sẽ cần phải thông tắc tia sữa trước và sau đó ngừng dần dần. Nếu cảm thấy đau đớn khi cho con bú vì núm vú bị đau, mẹ có thể vắt sữa thay thế trong một thời gian.
Sau khi cho bé bú sữa vẫn còn mẹ cần vắt sữa, đắp khăn lạnh hoặc gói gel mát sau khi cho bú.
Cho con bú hoặc vắt sữa thường xuyên hơn nếu vú căng tức một cách khó chịu. Khoảng cách giữa các lần cho bé bú quá dài cũng có thể làm cho ống dẫn sữa bị tắc.
Mẹ cần nhẹ nhàng xoa bóp vú, tập trung vào bất kỳ cục u hoặc vùng đau nào bằng đầu ngón tay hoặc lòng bàn tay trước và trong khi cho bé bú.
Có thể hữu ích nếu bắt đầu cho bú từ bên căng trước để bé có thể làm mềm vú và thông ống dẫn sữa bị tắc.
Khi cho bé bú, mẹ nên đổi các tư thế khác nhau bởi ở mỗi tư thế dưới lực bú mút bé sẽ tác động đến các tia sữa khác nhau. Càng đổi nhiều tư thế sẽ tạo ra nhiều lực hút thông tia sữa.
Sau khi sinh, cơ thể mẹ mệt mỏi, bị giảm sức khỏe vì vậy, mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều để hồi phục cơ thể. Mẹ hãy cố gắng nhờ sự trợ giúp của người thân trong các công việc nhà hay hỗ trợ chăm sóc em bé để được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Mẹ cần phải ăn uống đầy đủ, giữ tinh thần thoải mái. Nhiều mẹ bị tắc sữa nghiêm trọng do căng thẳng và lo lắng dẫn đến rối loạn âu lo và lúng túng khi tìm biện pháp xử lý.
Uống đủ nước trong khi đang cho con bú – đặc biệt là trong thời gian đầu. Mẹ nên uống từ 2,5-3 lít nước mỗi ngày, tức là nhiều hơn nhu cầu so với người bình thường để thanh lọc cơ thể và tạo sữa cho bé.
Nếu cục u vẫn chưa tan sau một hoặc hai ngày, hoặc các triệu chứng xấu đi (ví dụ như sốt và các triệu chứng giống như cúm), hãy đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
5. Những lưu ý quan trọng khi bị tắc tia sữa
Tất cả phụ nữ sau sinh đều có nguy cơ bị tắc tia sữa, đặc biệt ở những bà mẹ không cho con bú thường xuyên sau sinh.
Thường gặp nhất từ ngày thứ hai đến ngày thứ tư sau sinh, tuy nhiên tia sữa vẫn có thể bị tắc ở những tháng tiếp theo trong giai đoạn mẹ tập cho bé bú bình trước khi cai sữa.
Để ngăn ngừa tình trạng tia sữa bị tắc nghẽn mẹ cần cho con bú thường xuyên hoặc vắt sữa không để sữa còn sót lại trong bầu vú sau mỗi cữ bé bú. Sử dụng áo ngực hoặc quần áo rộng rãi, thoải mái. Uống thật nhiều nước.
Nghỉ ngơi đầy đủ, nếu được hãy áp dụng một số bài tập thiền hoặc luyện tập thể thao. Cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan nhất.
Tắc tia sữa có thể gặp ở giai đoạn đầu cho con bú sữa mẹ hoặc khi bé đã bú sữa được một thời gian, gây căng tức, nổi cục ở bầu ngực khiến sữa tiết ra ít hoặc hoàn toàn không tiết ra. Dấu hiệu ngực căng tức, chuyển màu, gây sốt, nhiễm trùng là dấu hiệu nguy hiểm, mẹ cần được can thiệp y tế để thông tắc tia sữa.
6. Chi phí khám chữa tắc tia sữa
Đa số các trường hợp tắc tia sữa có thể xử trí tại nhà, tuy vậy cũng có trường hợp phải nhập viện khi đó các bác sĩ sẽ tiến hành khám và tư vấn. Có thể thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung như siêu âm vú, chụp X-quang vú, xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác.
Về điều trị sẽ sử dụng các máy hỗ trợ: chiếu đèn hồng ngoại, máy tần phổ, máy siêu âm điều trị, máy sóng ngắn giúp giảm đau, tiêu viêm. Kết hợp kỹ thuật vật lý trị liệu chuyên biệt... giúp việc điều trị đạt kết quả tốt nhất. Hướng dẫn phương pháp cho con bú đúng cách nhằm tránh tình trạng tắc tia sữa tái phát.
Chi phí khám, chụp X-quang vú từ 200.000 đồng - 1.100.000 đồng tùy từng địa chỉ khám theo bảo hiểm y tế hay dịch vụ.
Thông tắc tia sữa tùy từng dịch vụ có thể từ 450.000 đồng - 1.000.000 đồng chưa kể các dịch vụ khác tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi bệnh nhân.
Theo suckhoedoisong.vn