Khi mang thai và mới sinh con, người mẹ phải ăn nhiều hơn khẩu phần ăn bình thường của mình 1 chút để lấy sữa và dinh dưỡng nuôi con. Chính vì vậy, nhiều chị em bỉm sữa có phần mũm mĩm hơn sau khi sinh đẻ. Các mẹ thường tăng 10-20kg và việc lấy lại vóc dáng sau sinh không hề đơn giản.
Chị em thường cảm thấy tự ti, mặc cảm về hình thể. Nhiều mẹ "than trời" vì không thể mặc được những bộ váy eo ót, những món đồ yêu thích của mình lúc trước. Khi đó các mẹ thường nhận được câu an ủi rằng: "Mới sinh thì như vậy, mấy nữa chăm con vất vả là gầy ngay". Điều đó khiến chị em cảm thấy hy vọng và được động viên phần nào.
Ấy thế nhưng có không ít bà mẹ mặc dù chăm con "đầu tắt mặt tối", mệt bơ phờ, không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống vậy mà cân nặng không hề giảm. Ngược lại còn tăng vù vù! Đối diện với việc này, nhiều mẹ bỉm sữa cảm thấy hụt hẫng.
Dưới đây là phân tích của bác sĩ về việc mẹ vẫn tăng cân dù chăm con vất vả
1. Cơ thể làm việc quá sức sẽ tăng cân
Mẹ bận chăm con, chẳng có thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi. Nhiều người lầm tưởng rằng như thế sẽ khiến người mẹ gầy đi. Tuy nhiên thực tế lại không hẳn như vậy.
Chăm con vất vả, cộng thêm nữa là công việc và việc nhà sẽ khiến người mẹ phải làm quá sức. Điều này dễ dẫn đến sức khỏe của mẹ bị yếu đi. Cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, kiệt sức, chức năng đường tiêu hóa suy giảm, lâu dài sẽ dẫn đến tăng cân. Nếu mẹ nào còn lười vận động thì tình trạng béo phì và tăng cân mất kiểm soát càng nghiêm trọng.
2. Ăn uống không điều độ, khoa học
Mẹ bận chăm con nên chẳng có nhiều thời gian cho bản thân. Việc ăn uống cũng bị ảnh hưởng. Đợi con ngủ say mẹ mới ăn. Việc ăn uống không đúng giờ sẽ dễ khiến cơ thể dễ bị tăng cân. Ngoài ra khi đói, mẹ sẽ ăn vội vàng những món ăn không lành mạnh, chứa lượng calo cao. Điều này khiến cơ thể dễ phì nhiêu hơn.
Nhiều mẹ còn bỏ bữa sáng. Đây là một trong những lý do sai lầm khiến cơ thể tăng cân. Bởi bỏ bữa ăn sáng khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng và sẽ ăn nhiều hơn vào hai bữa sau đó là bữa trưa và bữa tối. Lúc này cơ thể không tiêu thụ được hết lượng thức ăn nạp vào, vì vậy dễ tích tụ mỡ thừa.
Việc ăn nhanh, vội vàng cũng khiến cơ thể thêm phì nhiêu. Bởi theo nghiên cứu được tiến hành bởi một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Hiroshima, Nhật Bản, những người ăn nhanh có khả năng mắc chứng rối loạn chuyển hóa. Hội chứng rối loạn chuyển hóa có thể dẫn đến bệnh tiểu đường, béo phì hoặc bệnh tim mạch. Khi mọi người ăn nhanh, não không thể xử lý cảm giác no và do đó bạn sẽ cảm thấy không no dẫn đến ăn quá nhiều, ngay cả khi bạn không còn đói nữa.
Tâm trạng chán nản, dẫn đến trao đổi chất kém
Chăm con quá mệt khiến mẹ không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân. Cộng thêm với việc con quấy khóc, hay người nhà vô tâm... sẽ khiến tâm trạng của mẹ bị ảnh hưởng. Quá nhiều áp lực khiến nhiều người mẹ trầm cảm. Tâm trạng không tốt của người mẹ có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Đây cũng là lý do khiến người mẹ tăng cân nhanh.
Ngủ ít cũng khiến mẹ bỉm sữa tăng cân
Nhiều mẹ chăm con không có thời gian ngủ. Điều đó dẫn đến cơ thể mẹ không được nghỉ ngơi đủ, dẫn đến stress. Tâm trạng tồi khiến hormone mất cân bằng, việc trao đổi chất bị ảnh hưởng dẫn đến cơ thể tăng cân.
Ăn nhiều để đủ sữa cho con bú và ăn đồ thừa của con
Với suy nghĩ ăn nhiều để lấy sữa cho con ti khiến chị em tăng cân mất kiểm soát. Việc ăn đồ thừa của con cũng diễn ra khá phổ biến và là nguyên nhân gây tăng cân sau sinh.
Trên đây là những lý do khiến mẹ bỉm sữa vẫn tăng cân vù vù, cho dù chăm con vất vả. Muốn kiểm soát được cân nặng, chị em cần tăng cường tập thể dục, ăn uống khoa học.
Đặc biệt, mẹ nên chủ động san sẻ việc nhà, chăm con... cho người thân của mình. Sau sinh, việc nghỉ ngơi đối với sản phụ là việc vô cùng cần thiết. Ngủ đủ giấc, có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống điều độ... sẽ giúp mẹ mau chóng phục hồi sức khỏe.Ngủ đủ giấc có thể giúp giải tỏa căng thẳng tâm lý, đồng thời cũng tăng cường trao đổi chất, giúp người mẹ giảm cân nhanh hơn. Ngoài ra, mẹ bỉm sữa chớ nên ăn vặt, ăn đồ ăn nhiều calo nhé!
Hướng Dương HT