leftcenterrightdel
 Nguyên tắc quan trọng khi chăm sóc trẻ bị chàm sữa vào mùa đông chính là cố gắng giữ ẩm cho da của trẻ (Ảnh: Internet)

Khi trẻ bị chàm sữa, hàng rào bảo vệ da của trẻ bị tổn thương theo nhiều mức độ (cấp tính, mãn tính, bán cấp) khác nhau khiến các tác nhân bên ngoài dễ dàng xâm nhập gây ra tình trạng viêm da, da bị kích ứng nổi đỏ; đồng thời nước trong da cũng thoát ra ngoài nhiều hơn khiến da trẻ khô ngứa. Tình trạng này còn nặng hơn khi vào mùa đông lạnh. Chính vì thế việc chăm sóc da cho trẻ bị chàm sữa mùa này cần đặc biệt lưu ý.

Xét về nguyên tắc thì khi xử trí da của trẻ bị chàm sữa cần đảm bảo:

- Chăm sóc da và cấp ẩm cho da

- Điều trị kháng viêm

- Điều trị tình trạng ngứa.

Tùy từng thể trạng và mức độ bệnh khác nhau mà các bác sĩ sẽ có những chỉ định thuốc bôi/uống phù hợp như chống viêm, kháng histamine, kháng sinh (nếu cần),... để bình thường hóa làn da đồng thời kéo dài thời gian lành bệnh, hạn chế tình trạng tái phát do bệnh chàm sữa rất khó điều trị khỏi hẳn trong 2 năm đầu đời.

Chăm sóc da cho trẻ bị chàm sữa vào mùa lạnh đúng cách

Nhiệt độ lạnh ngoài trời mùa đông và trong nhà chênh lệch có thể khiến làn da vốn bị tổn thương của trẻ thêm khô, khó chịu và dễ ngứa rát hơn. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc da cho trẻ bị chàm sữa mùa lạnh mà bạn có thể tham khảo:

1. Hạn chế thời gian tắm

Vào mùa lạnh, trẻ không nhất thiết phải tắm hàng ngày, với những ngày không tắm cha mẹ có thể vệ sinh cá nhân cho trẻ. Các chuyên gia cho biết việc tắm nhiều có thể dẫn tới việc mất nước và dầu trên da từ đó khiến tình trạng da khô do bệnh chàm thêm trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó để tránh da trẻ bị khô thêm, hãy thử:

- Nếu thời tiết lạnh, để 2 - 3 ngày tắm một lần

- Thời gian tắm ngắn, khoảng 10 - 15 phút

- Tắm bằng nước ấm, không tắm bằng nước nóng

- Sau khi tắm xong, thấm người trẻ bằng khăn bông mềm, không chà xát khiến tổn hại thêm hàng rào bảo vệ da.

leftcenterrightdel
 Vào mùa lạnh thì trẻ không nhất thiết phải tắm hàng ngày (Ảnh: Internet)

2. Cẩn thận với loại xà phòng tắm

Sữa tắm hay các loại xà phòng nhiều hương liệu tổng hợp và chất tẩy rửa da không được khuyến khích cho trẻ đang bị chàm sữa. Nếu sau khi tắm hoặc rửa mặt cho trẻ bạn có cảm giác da trẻ căng lên thì có nghĩa là sản phẩm tắm rửa bạn đang sử dụng không đủ dịu nhẹ với làn da của trẻ. Tốt nhất bạn nên:

- Ưu tiên sử dụng các sản phẩm chuyên dụng cho da bị chàm được công nhận bởi Hiệp hội Eczema Hoa Kỳ (NEA) hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ

- Không chọn sản phẩm tắm rửa có xà phòng, chứa nhiều bọt (sodium lauryl sulfate), mùi thơm vì có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da và kích ứng da.

3. Dưỡng ẩm

Một trong những nguyên tắc quan trọng khi chăm sóc trẻ bị chàm sữa vào mùa đông chính là cố gắng giữ ẩm cho da của trẻ, tránh khô da dẫn tới kích ứng ngứa, đỏ. Kem dưỡng ẩm là điều bắt buộc để chống khô:

- Sử dụng kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần/ngày

- Dưỡng ẩm cho trẻ toàn thân trong vòng 3 phút sau khi tắm, khi da vẫn còn ẩm và khóa ẩm

- Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm không mùi và không gây kích ứng.

4. Xử lý quần áo đúng cách

Quần áo cũng có thể góp phần gây kích ứng da, nhất là quần áo mùa lạnh với các chất liệu như len, dạ. Ngay cả cách bạn giặt quần áo cho trẻ cũng có thể ảnh hưởng tới tình trạng da, cụ thể:

- Tránh cho trẻ mặc quần áo quá dày vào mùa lạnh. Thay vào đó nên cho trẻ mặc nhiều lớp thoáng khí để giảm nguy cơ da bí bách, đổ mồ hôi và mẩn ngứa

- Luôn giặt quần áo thường xuyên với các sản phẩm giặt an toàn, không chứa thuốc nhuộm, có mùi thơm nồng, chất làm mềm vải

- Lựa chọn quần áo ưu tiên sản phẩm làm từ cotton thay vì len hay polyeste có thể gây ngứa và bí da

5. Lời khuyên khác

- Vệ sinh không gian sống: Không gian sống của trẻ cần thông thoáng, sạch sẽ, đặc biệt là nơi ngủ của trẻ phải đảm bảo độ ẩm đủ

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thú cưng

- Hạn chế việc chênh lệch giữa nhiệt độ phòng và nhiệt độ bên ngoài

- Chế độ dinh dưỡng cần chú ý tới các thực phẩm có thể gây dị ứng như hải sản, đậu phộng,... có thể khởi phát cơ địa dị ứng.

Nhìn chung, vào mùa lạnh với trẻ bị chàm sữa việc chăm sóc da cũng như hạn chế việc trẻ tiếp xúc với các dị nguyên kích thích da sẽ giúp bảo vệ hàng rào trên da tốt hơn. Nếu trẻ có các biểu hiện như sang thương da lan rộng tới toàn mặt hay toàn thân, có dấu hiệu bội nhiễm sinh mủ trên vết chàm hay sốt lừ đừ, ngủ li bì, bỏ ăn, bỏ bủ, bỏ chơi kèm theo quấy khóc thì cần thăm khám bác sĩ sớm.

Châu Anh