Tiến sĩ Sucheta Parte, Bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Motherhood (ở Lullanagar, Pune, Ấn Độ) - chia sẻ: “Khi tuyến giáp hoạt động bình thường, nó sẽ sản xuất đủ lượng hormone và giải phóng chúng vào máu của bạn. Còn đối với phụ nữ mang thai, khi mắc các bệnh về tuyến giáp sẽ khiến tuyến giáp bị hoạt động quá mức hoặc thậm chí hoạt động kém hiệu quả”.

Bệnh về tuyến giáp

Cường giáp: Trong trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mức, tuyến giáp sản xuất ra một lượng hormone quá mức, còn được gọi là cường giáp. Cường giáp có xu hướng tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến giảm cân đột ngột mà không có lý do, đổ mồ hôi quá nhiều, nhịp tim tăng nhanh, đi ngoài thường xuyên và buồn nôn, tay run hay còn gọi là run rẩy.

Suy giáp: Tuyến giáp hoạt động kém còn được gọi là suy giáp; tình trạng này xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất hormone theo nhu cầu của cơ thể. Trong thời gian suy giáp, tốc độ trao đổi chất sẽ chậm lại dẫn đến tăng cân, tóc mỏng hoặc rụng tóc, nhịp tim chậm hơn, rối loạn não và kinh nguyệt không đều.

Mối liên hệ giữa tuyến giáp và thai kỳ

Tiến sĩ Sucheta Parte giải thích, hormone tuyến giáp rất quan trọng trong thai kỳ. Bởi, hormon tuyến giáp do tuyến giáp của mẹ bầu sản xuất rất cần thiết cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé.

Sự gia tăng nồng độ hormone tuyến giáp nhằm hỗ trợ sức khỏe và sự phát triển của mẹ và bé. Bé hoàn toàn phụ thuộc vào hormone tuyến giáp của mẹ và bắt đầu phát triển độc lập sau 10 đến 12 tuần mang thai.

Bà Sucheta Parte giải thích, nhiều phụ nữ có xu hướng gặp phải các vấn đề về tuyến giáp. Trong đó, một số phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp ngay cả trước khi mang thai, trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh.

Do đó, việc bổ sung i-ốt rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai, vì nó giúp não bộ và hệ thần kinh của thai nhi phát triển bình thường. Nồng độ i-ốt không đủ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tuyến giáp, sự phát triển và khả năng nhận thức của thai nhi.

Tiến sĩ Sucheta Parte cảnh báo: “Nếu tuyến giáp không được điều trị trong thời kỳ mang thai, nó có thể dẫn đến các biến chứng như tiền sản giật, sinh non, trẻ nhẹ cân khi sinh, sảy thai và thậm chí là thai chết lưu. Phụ nữ mang thai phải tìm kiếm sự can thiệp kịp thời khi nói đến sức khỏe của bản thân và em bé”.

Điều trị rối loạn tuyến giáp trong thời kỳ mang thai nhằm mục đích thúc đẩy sự cân bằng nội tiết tố và hỗ trợ một thai kỳ khỏe mạnh. Bác sĩ điều trị cũng có thể kê một số loại thuốc để bình thường hóa mức độ hormone tuyến giáp.

Bà Sucheta Parte kết luận, phụ nữ mang thai nên thường xuyên theo dõi nồng độ hormone tuyến giáp trong suốt thai kỳ bằng cách đi xét nghiệm và kiểm tra kịp thời.

Ngoài ra, hãy duy trì lối sống lành mạnh và ăn thực phẩm giàu iốt như trứng và các sản phẩm từ sữa và cố gắng tập thể dục hằng ngày, tránh căng thẳng.

Theo laodong