Ảnh minh họa
1. Từ lâu, chị Jade Beall biết rõ, việc làm của mình bị số đông coi là không bình thường. Bởi con chị đã có răng, có thể ăn dặm… Ngoài ra, như nhiều người thân đã nói với chị, cho con trên 3 tuổi bú mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tính dục của con, làm con “bện” hơi mẹ. Vì thế, đã thời gian dài chị Beall cố gắng cho con bú ở những nơi kín đáo. Gần đây, chị bỗng “nổi loạn”. “Rốt cuộc, tại sao phải che giấu việc làm bình thường và tự nhiên là cho con bú?”, chị Beall tự lục vấn và quyết định post hình ảnh 2 mẹ con lên facebook.
Phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của đông đảo cư dân mạng khiến chị ngạc nhiên. Tấm ảnh giành được gần 10.000 “like” chỉ trong vòng 1 tuần và làm dấy lên cuộc tranh luận nóng bỏng về thời gian nên cho con bú và những chuẩn mực văn hóa.
2. Đa số lời bình luận tích cực về tấm ảnh. Tiếng nói ủng hộ Beall chủ yếu xuất phát từ những mẹ cũng cho con bú lâu hơn so với chỉ định của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - tức là 6 tháng (sau thời gian này có thể bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn khác). “Nhiều tổ chức chỉ định cho con bú đến thời điểm cả con và mẹ đều mong muốn, bác sĩ nhi khoa kiêm chuyên gia miễn dịch Ba Lan, TS Wojciech Felszko, chia sẻ. Thông thường, trẻ được cho bú mẹ đến 1 năm, nhưng ngày càng nhiều mẹ cho con bú dài hơn. Các chuyên gia thuộc Bộ Y tế Ba Lan, những người khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian tối đa, cũng tán thành quan điểm như vậy.
Diễn đàn Sức khỏe Thế giới khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ đến khi trẻ tròn 2 tuổi. Tại nhiều quốc gia châu Á và châu Phi, cơ quan y tế sở tại khuyến khích các bà mẹ cho con bú tối thiểu đến năm con 3 tuổi hoặc lâu hơn, đặc biệt trong trường hợp trẻ mắc bệnh dị ứng. Họ chung quan điểm, cho con bú lâu đảm bảo trang bị cho cơ thể non nớt của trẻ khả năng miễn dịch với nhiều chứng bệnh, trong đó có một số bệnh được coi là “bệnh của nền văn minh” như viêm đại tràng. Cùng với kéo dài thời gian cho con bú (1 năm hoặc lâu hơn), nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi trẻ trưởng thành giảm 2 lần. Nuôi con bằng sữa mẹ từ 12 đến 26 tháng cũng giảm 2 lần nguy cơ tử vong vì các bệnh hệ hô hấp so với nuôi bằng hỗn hợp dinh dưỡng nhân tạo.
3. Dưới tấm ảnh của chị Beall cũng xuất hiện không ít ý kiến phê phán, chủ yếu về khía cạnh tác động tiêu cực đến đời sống sinh lý của trẻ. Nhiều cư dân internet coi 2 bầu vú như thành phần của tính dục phụ nữ. Cho con bú kéo dài xui khiến họ liên tưởng đến sự tình dục hóa đứa trẻ. “Thật vớ vẩn” - các chuyên gia tâm lý phản bác. Họ lập luận, trẻ thơ coi bầu vú mẹ như một bộ phận cơ thể, không phải chủ thể tình dục. “Hơn thế, tôi thiên về quan điểm cho rằng, kéo dài thời gian cho con bú sẽ phát huy tác dụng hỗ trợ sự phát triển tình dục bình thường của trẻ”, nữ chuyên gia tâm lý nổi tiếng châu Âu, TS Agnieszka Stein, nhấn mạnh trên blog của mình.
Thực tế, sau tháng thứ 6, chất lượng sữa mẹ sẽ giảm dần, song sữa mẹ vô hại và việc kéo dài thời gian cho con bú sẽ phát huy tác dụng thắt chặt tình cảm mẹ con nhờ hiệu ứng xuất hiện “hormone tình yêu” oxytocin trong cơ thể.
Tính đến cuối tháng 9/2015, cuộc tranh luận sôi nổi của đông đảo cư dân mạng trên internet về thời gian cụ thể mẹ có thể cho con bú vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Cũng chưa thấy ý kiến của những cơ quan chức năng có thẩm quyền như Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Vinh Thu (theo gw.pl)