|
|
Phụ nữ có nguy cơ bị táo bón trong thai kỳ. Ảnh: Freepik |
Một nghiên cứu của đại học Eastern Finland (Phần Lan) đăng trên Tạp chí Sản phụ khoa Quốc tế cho thấy khoảng 44% phụ nữ mang thai bị táo bón trong tam cá nguyệt thứ hai. Tình trạng táo bón trong thai kỳ thường do chế độ dinh dưỡng, sự thay đổi của hormone progesterone. Nếu không phát hiện sớm, táo bón trong lúc mang thai có thể khiến thai phụ đau đớn, mệt mỏi khi đi đại tiện hoặc nguy hiểm hơn là đi vệ sinh ra máu do táo bón, làm tăng nguy cơ sinh non hoặc sảy thai.
Nghiên cứu này thực hiện trên 877 thai phụ, được so sánh với 201 người phụ nữ không mang thai ở cùng độ tuổi. Các nhà khoa học dựa trên tiêu chí Rome IV để chẩn đoán tình trạng táo bón gồm: số lượng phân, cảm giác khi đi đại tiện, cử động của tay khi rặn, độ cứng của phân và tần suất đi ngoài.
Kết quả cho thấy có đến 44% phụ nữ bị táo bón trong tam cá nguyệt thứ hai, 36% trong tam cá nguyệt thứ ba. Tỷ lệ táo bón sau khi sinh ở ngả âm đạo cũng tăng lên 47%. Đặc biệt, có đến 57% phụ nữ sinh mổ cho biết họ gặp các vấn đề, đường tiêu hóa và táo bón. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều phụ nữ tiếp tục bị táo bón trong nhiều tháng sau khi sinh con.
Theo các nhà khoa học, tỷ lệ này khiến nhóm nghiên cứu cảm thấy e ngại bởi các vấn đề về đường tiêu hóa có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất, tinh thần của người mẹ. Bên cạnh những yếu tố trên, các hormone nhau thai cũng là nguyên nhân khiến nhu động ruột chậm lại, dẫn đến việc đi nặng trở nên khó hơn bình thường. Tình trạng táo bón nếu không sớm chữa trị sẽ chuyển thành giai đoạn nặng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, tiểu không tự chủ hoặc sa vùng chậu.
Táo bón là một trong những vấn đề có thể đối phó khá dễ dàng với nếu được can thiệp đúng cách, kịp thời. Dưới đây là những cách đơn giản giúp thai phụ sớm giải quyết tình trạng táo bón:
Tiêu thụ nhiều chất xơ: xây dựng chế độ ăn nhiều chất xơ là cách tốt nhất để làm mềm, điều hòa phân một cách tự nhiên. Do đó, các thai phụ hãy ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt ngay từ khi bắt đầu thai kỳ.
Uống đủ nước: nước cũng là một thành phần quan trọng bởi thiếu nước sẽ khiến quá trình đại tiện trở nên khó khăn hơn nhiều. Để ngăn ngừa táo bón xuất hiện, các thai phụ nên tuân thủ uống từ 8 đến 12 ly (hoặc 2,3 lít) nước mỗi ngày khi mang thai.
Vận động cơ thể: tập thể dục là cách giúp kích thích hệ tiêu hóa. Những bài tập đơn giản như đi bộ 20-30 phút mỗi ngày, bơi lội hoặc tập các tư thế yoga an toàn cho bà bầu sẽ giúp thai phụ điều hòa nhu động ruột, kiểm soát chứng táo bón.
Chia làm nhiều bữa nhỏ: một số thai phụ thường có cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, ăn quá nhiều lại là tác nhân gây căng thẳng lớn cho hệ tiêu hóa, dẫn đến táo bón. Nếu thai phụ cảm thấy đói, hãy chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Chị em lưu ý tránh các thức ăn nhiều gia vị hoặc quá ngọt.
Theo vnexpress