leftcenterrightdel
 Theo các chuyên gia, trẻ dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ đường

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam California, Đại học California - Berkeley (Mỹ) và Đại học McGill ở Canada đã sử dụng cơ sở dữ liệu nghiên cứu của Anh để điều tra tác động lâu dài từ lượng đường tiêu thụ trong những năm đầu đời ở người.

Sử dụng dữ liệu thu thập từ 60.183 người sinh trong giai đoạn 1951 - 1956, nhóm nghiên cứu đã đánh giá mối quan hệ giữa sức khỏe và chế độ phân phối đường trong thời chiến dựa trên một lệnh hạn chế kéo dài đến năm 1953. Mốc thời gian cụ thể này cung cấp cho nhóm nghiên cứu một ranh giới trước và sau rất hữu ích để so sánh.

Từ tháng 1/1940 đến năm 1953, người lớn ở Anh chỉ được sử dụng 41g đường mỗi ngày, và không được phép sử dụng đường cho trẻ em dưới 2 tuổi. Sau khi các lệnh hạn chế được nới lỏng, lượng đường tiêu thụ lại tăng mạnh trở lại.

Nhà kinh tế học Tadeja Gracner của Đại học Nam California cho biết: "Việc thực hành chế độ phân phối đường theo định mức đã mang đến cho chúng ta thí nghiệm tự nhiên mới lạ, có một không hai".

Theo dữ liệu, số trẻ em phải trải qua chế độ phân phối đường theo định mức trong 1.000 ngày đầu đời - bắt đầu từ trước khi sinh ra - trung bình có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 35% khi trưởng thành và nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thấp hơn 20%.

Ngay cả ở những trường hợp mà chế độ phân phối theo định mức được dỡ bỏ từ khi trẻ vẫn còn trong bụng mẹ, nguy cơ mắc bệnh mạn tính của trẻ lúc trưởng thành vẫn thấp hơn đáng kể. Mặt khác, khi các tình trạng sức khỏe xuất hiện, chúng có nhiều khả năng khởi phát chậm hơn ở những người được hạn chế lượng đường tiêu thụ ngay từ khi còn nhỏ.

Nhà kinh tế học Claire Boone đến từ Đại học McGill nói thêm: "Điều thú vị là lượng đường trong chế độ phân phối theo định mức phản ánh các hướng dẫn hiện nay. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nếu cha mẹ làm theo những khuyến nghị này, nó có thể mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể cho con cái họ".

Tuy kết quả không đủ để chứng minh mối quan hệ nguyên nhân và kết quả trực tiếp, đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc trẻ sử dụng đường từ khi còn nhỏ - và thậm chí trước khi sinh - có ảnh hưởng rất lớn.

Tiếp đến, các nhà nghiên cứu muốn nghiên cứu bất kỳ mối liên hệ nào có thể có giữa đường và các bệnh khác, chẳng hạn như ung thư.

Paul Gertler - nhà kinh tế học từ Đại học California - Berkeley - nhận xét: "Chúng ta nên coi việc tiêu thụ đường ở trẻ nhỏ là nguy hiểm và yêu cầu các công ty thực phẩm chịu trách nhiệm cải tiến công thức thực phẩm dành cho trẻ em bằng các lựa chọn lành mạnh hơn. Chúng ta cũng nên đánh thuế và quản lý việc tiếp thị thực phẩm có đường nhắm vào trẻ em".

Theo phụ nữ TPHCM