Dinh dưỡng cho mẹ bầu ăn chay
Cập nhật lúc 08:16, Thứ sáu, 08/07/2016 (GMT+7)
Có rất nhiều lý do để nhiều người chọn áp dụng thực đơn ăn chay nhưng liệu có an toàn để tiếp tục ăn chay trong khi mang bầu hay không?
Theo nhiều nghiên cứu tại Mỹ, các mẹ bầu vẫn hoàn toàn có thể tiếp tục áp dụng thực đơn ăn chay miễn đảm bảo được cân bằng dinh dưỡng cần thiết cho cả mẹ lẫn bé cưng.
Tăng cường hàm lượng protein
Việc tăng cường bổ sung hàm lượng protein trong suốt quá trình mang thai vô cùng quan trọng. Vì protein giúp hình thành cơ, mô trên cơ thể bé và đẩy nhanh quá trình phát triển ở bé. May mắn là có vô số các thực phẩm giàu protein trong thực đơn ăn chay như các loại đậu, trứng, các sản phẩm từ sữa. Theo chỉ dẫn sức khỏe thì các mẹ bầu cần thêm 6g protein mỗi ngày.
Thúc đẩy hấp thụ sắt
Trong khi thịt đỏ rõ ràng là một trong những nguồn thực phẩm dồi dào chứa sắt cũng không đồng nghĩa với việc mẹ bầu theo chế độ ăn chay sẽ bị thiếu sắt. Sắt trở nên cần thiết trong quá trình mang thai khi cơ thể mẹ sản sinh thêm nhiều máu để chuyển các chất dinh dưỡng qua nhau thai cho bé. Và mẹ có thể bổ sung sắt nhờ các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn, hoa quả sấy, hạt ngũ cốc và óc chó. Tuy nhiên việc hấp thụ sắt sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu mẹ bầu sử dụng kèm các thực phẩm giàu vitamin C như các loại cam và quýt.
Cung cấp đủ các loại vitamin nhóm B
Các mẹ bầu theo chế độ ăn chay trường sẽ không có nhiều lựa chọn thực phẩm để bổ sung các loại vitamin nhóm B trừ sữa đậu nành, chiết xuất nấm men... Nhưng nếu mẹ bầu theo chế độ ăn chay thường (có thể sử dụng trứng và các chế phẩm từ sữa động vật) thì việc bổ sung vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B12 (chỉ chứa trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật) sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Phát triển trí não của bé
Mặc dù chế độ ăn chay giúp tăng cường acid béo omega-6 chứa nhiều trong thực vật, thế nhưng hàm lượng omega-3 (như EPA và DHA) lại vô cùng hạn chế. Trong khi đây lại là chìa khóa cho sự phát triển trí não và mắt của bé. Mẹ bầu ăn chay có thể lựa chọn hạt óc chó, dầu hạt cải, đậu nành và các thực phẩm giàu DHA khác như trứng gà. Ngoài ra nên sử dụng dầu olive thay cho dầu hướng dương để giữ tỷ lệ omega 6:3 được cân bằng.
Theo Sức khỏe & Đời sống