Bài viết dưới đây là chia sẻ của TS. BS nhi khoa Lê Thị Thu Hương, BV Đại học Y Hà Nội, về sở thích "cù lét" con trẻ của không ít cha mẹ.
Các mẹ có hay cù nách, eo, gan bàn chân khi chơi với con không? Bé co rúm mình lại và cười khanh khách nên mẹ cứ nghĩ rất vui. Tuy nhiên, các mẹ đâu biết rằng hành động tưởng chừng vô hại này lại có thể gây hậu quả xấu cho trẻ.
Có hàng loạt lý do giải thích vì sao các mẹ không nên “cù lét” con và tìm những cách khác để vui chơi với con:
Trẻ cười không có nghĩa là chúng thích bị “cù lét”
Đến các mẹ khi bị cù còn phá lên cười chứ đừng nói đến trẻ nhỏ. Ngay cả khi bé thực sự ghét nó thì bé vẫn cứ cười vì đó là phản xạ tự nhiên. Nhìn bé cười giòn tan, có mẹ nào lại nghĩ con đang ghét hành động này đúng không? Và cứ thế mẹ ảo tưởng rằng con đang rất vui và thích thú.
Sự thật là “cù lét” không tạo ra cảm giác hạnh phúc giống như khi bé cười trước một trò đùa vui nhộn của mẹ mà nó chỉ tạo ra một ảo giác với cha mẹ rằng bé đang cười mà thôi.
“Cù lét” không tạo ra cảm giác hạnh phúc giống như khi bé cười trước một trò đùa vui nhộn. (Ảnh minh họa)
Trẻ không thể bảo cha mẹ dừng lại
Các mẹ cần phân biệt giữa “cù lét” và nựng yêu vì đó là 2 hành động hoàn toàn khác nhau. Nếu mẹ giữ hay đè ngửa bé ra “cù lét” để cho bé cười thì tiếng cười lúc này của bé hoàn toàn không được kiểm soát và không có một chút thích thú. Bạn có thể đùa vui, ôm ấp, cưng nựng bé nhưng không nên dùng ngón tay để “cù lét”.
Bé càng cười mẹ càng cù vì đơn giản là được thấy con cười. Nhưng khi bé cười mất kiểm soát sẽ không thể nói với bạn rằng “Mẹ ơi con không thích”, “Mẹ ơi con muốn dừng lại”. Hơn nữa, bé cười không ngừng được, đến một thời điểm nhất định sẽ khiến bé khó thở, khó chịu mà không có cách nào báo cho cha mẹ biết. Vậy thì tại sao phải "vui vẻ" bằng cách “cù lét”?
Thời xa xưa, “cù lét” từng được dùng để tra tấn
Vào thời Hán ở Trung Quốc, “cù lét” là một cách tra tấn quý tộc vì nó không để lại dấu vết; nạn nhân có thể phục hồi tương đối dễ dàng và nhanh chóng. Nó cũng rất phổ biến ở Nhật Bản với tên gọi “kusuguri-zeme”, có nghĩa là “không thương tiếc”.
“Cù lét” có thể gây ra các phản ứng sinh lý cực đoan ở nạn nhân như nôn mửa và mất ý thức do không thể thở được. Liệu các mẹ còn muốn sử dụng hình thức này để tạo tiếng cười cho con?
“Cù lét” có thể gây chấn thương tâm lý và hệ lụy suốt đời
Mẹ cù mà bé không thể ra hiệu cho mẹ ngừng lại, bé không thể phản kháng mà chỉ biết cười, thậm chí là sặc, lâu dần đứa trẻ sẽ hình thành phản xạ căng thẳng, khó chịu khi nhìn thấy mẹ. Đôi khi tổn thương có thể kéo dài suốt đời, gây nên nỗi đau tâm lý vô cùng lớn cho bé.
Mỗi em bé có phản ứng khác nhau khi bị cù nhưng làm sao cha mẹ có thể biết được đâu là giới hạn để không làm tổn thương chúng. Vì vậy, tốt nhất không bao giờ đùa với trẻ bằng cách “cù lét”.
Mẹ nào cũng muốn con thông minh, tư duy tốt. Vậy thay vì “cù lét”, các mẹ có thể cùng bé chơi các trò chơi trí tuệ như lắp ghép, giải câu đố… để kết nối yêu thương.
Nếu bé ngủ mà bị giật mình, bé khó ngủ, luôn cảm thấy bất an, e dè thì có thể là do tác động xấu của việc “cù lét” mang lại.
BÁC SĨ LÊ THỊ THU HƯƠNG