leftcenterrightdel
Nhiều phụ nữ lo ngại nguy cơ khó thụ thai sau tuổi 35 tăng cao. Ảnh: CCRM 

Sự thật là khả năng sinh sản của phụ nữ sẽ giảm khi họ già đi. Nhiều người phụ nữ hay bị khuyên rằng sau tuổi 35, khả năng sinh sản sẽ xuống thấp như rơi từ "một vách đá". Tuy nhiên, điều này chủ yếu gây căng thẳng hơn là có thật.

Nếu bạn muốn có con, điều quan trọng là phải hiểu đặc điểm sinh học của khả năng sinh sản. Điều này có thể giúp phụ nữ có sự lựa chọn về thời điểm quyết định việc mang thai, theo bài viết trên Conversation của Karin Hammarberg, nhà nghiên cứu về sức khỏe của phụ nữ tại Đại học Monash.

Đối với những người không có lựa chọn về thời gian, việc hiểu đặc điểm sinh học của khả năng sinh sản giúp họ đưa ra những quyết định tốt nhất có thể.

Sự lão hóa, số lượng và chất lượng trứng

Một bé gái được sinh ra với buồng trứng có khoảng 1 triệu quả trứng. Tuy nhiên, khi đến tuổi dậy thì, số lượng này giảm, chỉ còn khoảng 300.000 trứng. Đây là một quá trình sinh lý bình thường.

Khi bước vào tuổi dậy thì và bắt đầu có kinh nguyệt, trong số những quả trứng còn lại, chỉ có 300-400 quả sẽ trưởng thành và rụng trong thời kỳ sinh sản. Bước vào tuổi mãn kinh, trứng sẽ ngừng rụng hàng tháng và hiện tượng kinh nguyệt cũng không còn.

Mặc dù người phụ nữ vẫn có thể mang thai ở độ tuổi 35-40 tuổi, cơ hội mang thai thường ít dần trong 5-10 năm trước khi mãn kinh.

Khi phụ nữ già đi, chất lượng trứng cũng giảm theo. Ước tính, khoảng 20% trứng của con người là dị bội, sai số lượng nhiễm sắc thể. Tỷ lệ này tăng lên theo số tuổi.

Khi một trứng dị bội thụ tinh với tinh trùng, nó sẽ tạo ra một phôi dị bội. Trong hầu hết trường hợp, phôi này ngừng phát triển hoặc kết thúc bằng việc sảy thai.

Cơ hội có con ở các độ tuổi khác nhau

Thời điểm dễ thụ thai nhất của một người phụ nữ là 20-30 tuổi. Sau tuổi 30, khả năng sinh sản bắt đầu giảm dần và đến giữa những năm 30 thì tốc độ ngày càng nhanh hơn. Cơ hội mang thai sau tuổi 35 bắt đầu thấp đi cho đến 40 tuổi.

Một nghiên cứu lớn công bố trên Fertility and Sterility chỉ ra cơ hội mang thai sau 12 tháng của phụ nữ 30-31 tuổi là 87%. Con số này giảm xuống còn 76% ở độ tuổi 36-37 và 54% ở tuổi 40-41.

Vì vậy, cho đến 41 tuổi, hầu hết phụ nữ cố gắng sinh con sẽ mang thai sau khi cố gắng đến 12 tháng. Tỷ lệ những người không thể mang thai tăng theo độ tuổi và khả năng này giảm đáng kể sau tuổi 35.

Không may, số lượng trứng có nhiễm sắc thể bất thường cũng tăng theo độ tuổi. Vì vậy, nguy cơ sảy thai tăng lên khi phụ nữ lớn tuổi. Đối với phụ nữ 30-35 tuổi, cứ 10 phụ nữ sẽ có 1 người có nguy cơ sảy thai. Con số này tăng lên tỷ lệ 1:3 đối với phụ nữ ở tuổi 40-44.

Trong khi đó, đối với nam giới, dù xảy ra muộn hơn so với phụ nữ, tuổi tác của nam giới cũng ảnh hưởng đến cơ hội làm đậu thai. Chất lượng tinh trùng và khả năng sinh sản suy giảm ở độ tuổi 45. Những ca thụ tinh của nam giới từ 45 tuổi trở lên có khả năng sảy thai cao hơn gần 50% so với những ca mang thai của nam giới ở độ tuổi 25-29.

leftcenterrightdel
Cơ hội thành công của IVF cũng bị ảnh hưởng bởi tuổi tác của cả nam và nữ. Ảnh: CDC 

IVF không phải là kế hoạch dự phòng tốt

Theo Conversation, IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) không thể cải thiện chất lượng trứng và tuổi của người phụ nữ là yếu tố quyết định lớn nhất đến sự thành công của IVF. Dữ liệu từ VARTA cho thấy sau 3 chu kỳ IVF hoàn thành, 61% phụ nữ trong độ tuổi 34-34 sử dụng phương pháp này sẽ có con. Con số này giảm theo độ tuổi, 50% ở tuổi 36-37 và 38% ở tuổi 38-39. Ở tuổi 40-41, con số này chỉ còn 25%.

Cơ hội thành công của IVF cũng bị ảnh hưởng bởi tuổi tác của nam giới. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thành công ở người đàn ông từ 45 tuổi trở lên thấp hơn so với những người trẻ tuổi.

Giải pháp

Hoàn cảnh sống có thể là lý do cản trở việc phụ nữ sinh con trong khoảng thời gian dễ thụ thai nhất. Nếu bạn lo lắng về việc tuổi tác có thể ảnh hưởng đến cơ hội có con, Conversation gợi ý bạn một số cách:

  • Sử dụng tinh trùng hiến tặng: Nếu bạn muốn độc thân, bạn có thể cân nhắc việc sử dụng tinh trùng hiến tặng để có con. Lựa chọn an toàn nhất cho bạn và con là tìm người hiến tặng thông qua cơ sở hỗ trợ sinh sản.
  • Đông lạnh trứng: Đây có thể là lựa chọn tối ưu, tuy nhiên, nó rất tốn kém và không đảm bảo việc có em bé trong tương lai.
  • Thụ tinh trong ống nghiệm: Nếu bạn ngoài 35 tuổi và đang cố gắng có con từ 6 tháng trở lên, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và thực hiện các xét nghiệm sinh sản cơ bản. Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm, bạn có thể cần đến IVF. Nếu việc này diễn ra, bạn cần thực hiện sớm bởi tuổi tác ảnh hưởng đến chất lượng IVF.
  • Sử dụng trứng của người hiến tặng: Sau tuổi 40, cơ hội có con nhờ công nghệ IVF không đáng kể, trừ khi bạn sử dụng trứng được hiến tặng bởi một người phụ nữ trẻ hơn. Các nghiên cứu cho thấy sau 40 tuổi, phụ nữ sử dụng trứng hiến tặng có khả năng sinh con cao gấp 5 lần so với phụ nữ sử dụng trứng của chính họ.

Cuối cùng, Conversation khuyên bạn nên cân nhắc khi thực hiện dịch vụ xét nghiệm dự trữ buồng trứng (AMH). Đây thường được quảng cáo là cách để phụ nữ tìm hiểu khả năng sinh sản và cơ hội mang thai của họ.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra xét nghiệm này không đáng tin cậy về khả năng sinh sản của phụ nữ. Phụ nữ ở cùng độ tuổi có cơ hội mang thai hàng tháng khác nhau, bất kể mức AMH của họ như thế nào.

Theo Zingnews