|
|
Đặc điểm đặc trưng của vàng da ở trẻ sơ sinh là da và mắt (lòng trắng) có màu vàng. Ảnh:Waterwipes. |
Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng da và mắt của trẻ bị đổi màu vàng. Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh xảy ra do máu của em bé chứa dư thừa bilirubin, sắc tố màu vàng của các tế bào hồng cầu.
Trong khi đó, gan của trẻ chưa đủ trưởng thành để loại bỏ bilirubin trong máu. Tình trạng này xảy ra phổ biến, đặc biệt ở trẻ sinh trước 38 tuần tuổi thai (trẻ sinh non) và một số trẻ bú mẹ.
Triệu chứng
Vàng da và lòng trắng của mắt - dấu hiệu chính của bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh - thường xuất hiện từ ngày thứ hai đến thứ tư sau khi sinh. Để kiểm tra tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh, hãy ấn nhẹ vào trán hoặc mũi của bé. Nếu vùng da bạn ấn vào có màu vàng, có khả năng bé bị vàng da nhẹ. Tình trạng này cũng có thể dễ dàng nhìn thấy hơn trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), các triệu chứng khác của bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm: Nước tiểu màu vàng sẫm (nước tiểu của trẻ sơ sinh thường không màu), phân màu nhạt (bình thường có màu vàng hoặc cam).
Các triệu chứng vàng da ở trẻ sơ sinh có xu hướng thuyên giảm mà không cần điều trị khi trẻ được khoảng 2 tuần tuổi.
Nguyên nhân và yếu tố rủi ro
Theo Mayo Clinic, bilirubin dư thừa (tăng bilirubin trong máu) là nguyên nhân chính gây vàng da. Bilirubin khiến da bị vàng, là một phần bình thường của sắc tố được giải phóng từ sự phân hủy của các tế bào hồng cầu đã qua sử dụng.
Trẻ sơ sinh sản xuất nhiều bilirubin hơn người lớn do tế bào hồng cầu được sản xuất và phân hủy nhanh hơn trong những ngày đầu đời. Bình thường, gan lọc bilirubin từ máu và thải vào đường ruột. Tuy nhiên, gan còn chưa trưởng thành của trẻ sơ sinh thường không thể loại bỏ bilirubin đủ nhanh, gây ra tình trạng dư thừa bilirubin. Vàng da do những tình trạng bình thường này được gọi là vàng da sinh lý.
Một số rối loạn tiềm ẩn có thể gây ra bệnh vàng da (vàng da bệnh lý) ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Chảy máu bên trong (xuất huyết).
- Nhiễm trùng máu.
- Các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn khác.
- Không tương thích giữa máu của mẹ và máu của con.
- Gan có vấn đề.
- Teo đường mật bẩm sinh, tình trạng trong đó đường mật của em bé bị tắc nghẽn hoặc có sẹo.
- Thiếu hụt enzyme.
- Sự bất thường của các tế bào hồng cầu của trẻ khiến chúng bị phá vỡ nhanh chóng.
Trẻ sinh non trước 38 tuần tuổi có thể không xử lý được bilirubin nhanh như trẻ sinh đủ tháng. Trẻ sinh non cũng thường bú ít và đi tiêu ít hơn, dẫn đến lượng bilirubin thải trừ qua phân cũng giảm đi. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh bị bầm tím trong khi sinh có thể có mức độ bilirubin cao hơn do sự phân hủy của nhiều tế bào hồng cầu hơn.
Ngoài ra, nếu người mẹ có nhóm máu khác với con, em bé có thể đã nhận được các kháng thể qua nhau thai gây ra sự phân hủy tế bào hồng cầu nhanh chóng bất thường.
Khi nào đến gặp bác sĩ?
Hầu hết bệnh viện đều có chính sách khám vàng da cho trẻ sơ sinh trước khi xuất viện. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo trẻ sơ sinh nên được kiểm tra vàng da khi kiểm tra sức khỏe định kỳ và ít nhất 8-12 giờ/lần khi ở trong bệnh viện.
Trẻ sơ sinh nên được kiểm tra vàng da giữa ngày thứ ba và thứ bảy sau khi sinh, khi mức độ bilirubin thường đạt đến đỉnh điểm. Nếu trẻ được xuất viện sớm hơn 72 giờ sau khi sinh, cha mẹ nên hẹn tái khám để kiểm tra tình trạng vàng da trong vòng 2 ngày sau khi xuất viện.
Cha mẹ cần gọi điện cho bác sĩ nếu:
- Da của bé trở nên vàng hơn.
- Da ở bụng, tay hoặc chân của bé có màu vàng.
- Lòng trắng của mắt bé có màu vàng.
- Em bé có vẻ bơ phờ, ốm yếu hoặc khó đánh thức.
- Bé không tăng cân hoặc bú kém.
- Em bé phát ra những tiếng khóc the thé.
Theo zingnews