Khi trẻ mới chào đời, bên cạnh sức khỏe thì cân nặng là chủ đề được mọi người quan tâm nhiều nhất. Nếu đứa trẻ sinh ra mập mạp, trắng trẻo, bụ bẫm thì gia đình cảm thấy rất tự hào. Đặc biệt, những đứa trẻ càng nặng ký thì càng được ông bà thích, nhiều mẹ rất tự hào và hạnh phúc khi thấy con mình sinh ra nặng cân.
Cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh nước ta hiện nay là khoảng 3-3,2kg. Đối với các nước phương Tây, trẻ sơ sinh từ 4kg trở lên mới gọi là thai to hay thai thừa cân. Ở nước ta, các bác sĩ sản khoa cho rằng cơ thể phụ nữ Việt Nam nhỏ bé nên con trên 3,5kg đã được đánh giá là to.
Quan niệm dân gian thường cho rằng con to là do bà mẹ ăn nhiều chất bổ dưỡng, vì thế điều đơn giản là muốn tránh thai to để dễ đẻ là nên hạn chế ăn uống đối với bà mẹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cân nặng của trẻ sơ sinh trong điều kiện người mẹ có chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ phụ thuộc vào tính di truyền; sức khỏe và thể lực bà mẹ; con đẻ lần sau thường có cân nặng lớn hơn lần trước.
Sinh con nặng cân, cả mẹ và bé đều đối mặt nguy hiểm
Đối với sản phụ:
- Thai nhi nặng cân sẽ khiến sản phụ dễ phải sinh mổ thay vì sinh thường.
- Tăng nguy cơ đột tử thai, sang chấn sản khoa lúc sinh, băng huyết sau sinh, đờ tử cung, tổn thương tầng sinh môn, nhiễm trùng hậu phẫu, hậu sản.
- Nguy cơ về sau là tiểu đường type 2, tăng huyết áp mãn tính.
Đối với thai nhi:
- Trường hợp chuyển dạ kéo dài mà nồng độ đường huyết quá thấp có thể dẫn đến những tổn thương não và để lại di chứng trí nhớ, giảm trí tuệ cho trẻ về sau.
- Sang chấn cho thai trong lúc sinh vì thai to như: gẫy xương đòn, trật khớp vai, tổn thương thần kinh cánh tay.
- Thai nhi sinh ra vượt quá cân nặng tiêu chuẩn có thể đối mặt nguy cơ hạ đường huyết, hạ canxi máu sau sinh.
- Bé có thể chậm phản xạ khóc, khóc yếu, dễ ngừng thở từng cơn, không chuyển động và các cơn ngất lịm sau khi bé ra đời.
- Một số bệnh lý về sau bé có thể gặp phải: bệnh lý phổi sau sinh, nguy cơ suy hô hấp; nguy cơ béo phì; rối loạn chuyển hóa sau sinh.
Những em bé chào đời nặng cân có nguy cơ rối loạn nhịp tim ở tuổi trưởng thành
Tiến sĩ Songzan Chen, công tác tại trường Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã công bố một nghiên cứu: Những em bé nặng cân có nhiều khả năng bị rối loạn nhịp tim khi bước vào tuổi trưởng thành.
Tiến sĩ Chen chia sẻ: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nguy cơ rối loạn nhịp tim ở tuổi trưởng thành của trẻ sơ sinh có cân nặng lúc chào đời lớn, từ 4kg trở lên, cao hơn so với trẻ sơ sinh có cân nặng bình thường.
Tuy rằng hội chứng rối loạn nhịp tim bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như cân nặng lúc mới sinh, chiều cao và cân nặng lúc trưởng thành, nhưng dựa trên phương pháp luận, chúng tôi tin rằng giữa cân nặng khi sinh và hội chứng rối loạn nhịp tim có mối quan hệ với nhau. Bởi cân nặng lúc chào đời dự đoán chiều cao trưởng thành của trẻ và những người cao thường nặng cân và mắc hội chứng rối loạn nhịp tim".
Giáo sư Guosheng Fu, công tác tại Bệnh viện Sir Run Run Shaw (SRRSH) khuyên các chị em phụ nữ mang thai nên "Chú ý hơn đến việc kiểm soát chế độ ăn uống, khám thai định kỳ và thường xuyên, đặc biệt những thai phụ bị béo phì, tiểu đường nên tuân thủ theo chế độ ăn uống của bác sĩ".
Thai to thì phải làm sao?
Để tránh biến chứng khi thai to, mẹ bầu cần đi khám thường xuyên để các bác sĩ có thể theo dõi kịp thời. Ngoài ra, chị em cần:
- Kiểm soát mức tăng cân của bản thân: Hãy hỏi bác sĩ để có được thực đơn ăn uống phù hợp. Đừng nên ăn uống vô tội vạ với suy nghĩ "ăn cho 2 người".
Mức tăng cân lý tưởng gợi ý cho mẹ bầu qua từng tam cá nguyệt cụ thể như sau:
+ Tam cá nguyệt thứ nhất: khoảng: 0,8 – 8kg
+ Tam cá nguyệt thứ hai: khoảng 5 – 6kg
+ Tam cá nguyệt thứ ba: 3 – 5kg.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ để kiểm soát tình trạng này. Việc kiểm soát lượng đường trong máu là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai, bao gồm cả thai to.
- Vận động đều đặn, nhẹ nhàng: Việc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp mẹ bầu tiêu hao những calo thừa. Từ đó sẽ cải thiện sức khỏe cũng như hạn chế nguy cơ phát triển thai to.
Thảo Hương