leftcenterrightdel
 (Ảnh minh họa)

Móng tay có thể tiết lộ rất nhiều điều về sức khỏe của trẻ. Nếu cha mẹ để ý thấy móng tay con có màu hồng và bóng thường là dấu hiệu của sức khỏe tốt. Móng tay bị biến màu, xuất hiện đường kẻ trắng hoặc đốm trắng, móng tay giòn… thường là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị một căn bệnh nào đó.

Móng tay có đốm trắng là một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ nhỏ và người lớn. Thông thường, phụ huynh không cần phải can thiệp bằng các biện pháp y tế. Các đốm trắng thường chỉ là tạm thời và có khả năng biến mất sau khoảng 8–9 tháng.

Hạt gạo trên móng tay có tên khoa học là Punctate Leukonychia được tồn tại dưới nhiều hình dạng như hình tròn, tấm hay dẹt. Dưới đây là một vài thông tin về hiện tượng này ở trẻ.

Phân loại đốm trắng trên móng tay

Đốm trắng hoàn toàn: Tình trạng này có thể do di truyền. Với loại đốm trắng này, toàn bộ phần móng có thể chuyển thành màu trắng hoàn toàn.

Đốm trắng một phần:

Dạng vân: những đốm trắng trên móng tay thường xuất hiện ở dạng đường kẻ ngang, sọc chạy song song với nhau.

Dạng trứng cá đốm: các đốm trắng nhỏ li ti, mọc khắp móng tay. Đây là dạng phổ biến nhất và thường gặp ở trẻ nhỏ.

Dạng dọc: xuất hiện những đường kẻ dọc màu trắng nhỏ, theo chiều móng tay. Trường hợp này ít phổ biến hơn.

leftcenterrightdel
 (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân khiến móng tay của trẻ có đốm trắng

- Chấn thương móng tay:

Các đốm trắng có thể là kết quả của một số chấn thương trên móng tay gây hiện tượng keratin hóa móng, thường gặp ở trẻ 1 đến 3 tuổi. Bởi lúc này bé đang tập các kỹ năng vận động tay - chân, khiến việc tổn thương móng dễ xảy ra, thông thường những đốm trắng đó sẽ biến mất theo thời gian.

- Phản ứng dị ứng:

Nếu cho trẻ tiếp xúc nhiều với các loại sơn móng tay, chất tẩy rửa… thì móng tay trẻ có thể xuất hiện những đốm trắng. Bởi đó có thể là phản ứng dị ứng do móng tay tiếp xúc với một số hóa chất.

- Nhiễm nấm khiến móng tay của trẻ có vệt trắng:

Sự xuất hiện của các đốm trắng trên móng tay của trẻ đôi khi là do nhiễm nấm. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng nấm có thể lan rộng khắp móng tay của trẻ.

- Trẻ thiếu chất:

Các bác sĩ đã chỉ ra rằng, những đốm trắng trên móng tay có thể là do thiếu hụt một số khoáng chất nhất định như kẽm, protein, canxi… Mẹ cần cho con đi khám dinh dưỡng để bổ sung kịp thời và đầy đủ các vi chất cho con.

- Tác dụng phụ của thuốc:

Hiện tượng vệt trắng xuất hiện trên móng cũng có thể là do ảnh hưởng của một số loại thuốc mà trẻ đang sử dụng.

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác nguy hiểm hơn: Suy thận, các bệnh về tim mạch, bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến, nhiễm độc asen hoặc chì, viêm phổi, xơ gan, stress, viêm loét đại tràng...

leftcenterrightdel
 (Ảnh minh họa)

Khi nào cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa?

Tình trạng móng tay trẻ có đốm trắng hạt gạo thường vô hại. Do đó cha mẹ không cần phải quá lo lắng nếu bắt gặp những đốm trắng này ở móng tay của bé. Tuy nhiên, nếu việc xuất hiện đốm trắng có kết hợp thêm các triệu chứng khác như quấy khóc, bỏ ăn bỏ bú, khó ngủ, trằn trọc, ra mồ hôi trộm… mẹ hãy thử đưa con đi xét nghiệm vi chất xem có thiếu gì không. Vì có khả năng con thiếu vitamin, canxi… hoặc mang bệnh lý nào đó.

Cha mẹ nên cho con đi khám trong các trường hợp sau:

- Nếu tất cả các móng tay của trẻ chuyển hoàn toàn trắng.

- Nếu các đốm trắng xuất hiện rõ ràng ở tất cả các móng tay.

- Nếu móng của trẻ có một nửa màu nâu và một nửa màu trắng.

Hướng Dương HT