Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết ở trẻ và cách chăm sóc
Cập nhật lúc 23:43, Thứ bảy, 15/10/2022 (GMT+7)
Mọi người thường cho rằng chỉ người lớn mới bị dị ứng thời tiết, tuy nhiên thực tế cho thấy trẻ em cũng bị dị ứng thời tiết. Bệnh thường xảy ra khi thời điểm giao mùa, nhiệt đổi thay đổi đột ngột, khiến cho cơ thể của trẻ không kịp thích ứng.
Dị ứng thời tiết thường gặp ở trẻ có sức đề kháng yếu, làn da nhạy cảm… Vậy nguyên nhân nào gây dị ứng thời tiết ở trẻ và cách chăm sóc như thế nào là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết ở trẻ
- Có nhiều nguyên nhân gây dị ứng thời tiết ở trẻ, trong đó hai nguyên nhân chính thường liên quan đến yếu tố môi trường kém và hệ miễn dịch của trẻ yếu. Theo các nghiên cứu, khi thời tiết thay đổi đột ngột, có thể gây chênh lệch nhiệt độ, sẽ sản sinh ra một lượng lớn Histamin, dẫn đến các biểu hiện dị ứng.
- Ngoài ra, nếu trẻ tiếp xúc với nấm mốc, phấn hoa hoặc độ ẩm xuống thấp, cũng sẽ khiến trẻ có biểu hiện dị ứng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những ngày mưa hoặc ẩm ướt sẽ sản sinh nhiều nấm mốc, cả trong nhà và ngoài trời, mạt bụi cũng phát triển… gây tình trạng dị ứng ở trẻ. Nhìn chung tác nhân gây dị ứng thời tiết phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó một phần cũng do cơ địa của mỗi trẻ.
Biểu hiện dị ứng thời tiết ở trẻ
- Các nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ bị dị ứng thời tiết thường có cơ địa dị ứng với các bệnh viêm mũi dị ứng, hen suyễn và viêm da cơ địa. Khi đó biểu hiện thường gặp ở trẻ là:
- Nổi mẩn đỏ và ngứa trên da, da trẻ bị bong tróc vảy, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, ho, đau đầu hoặc sốt. Kèm theo đó trẻ thường có biểu hiện chảy nước mắt, đỏ mắt, viêm kết giác mạc…
- Nếu trẻ bị hen suyễn dị ứng sẽ có biểu hiện hụt hơi hoặc thở dốc khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
Cách chăm sóc trẻ bị dị ứng thời tiết
- Với trẻ có các biểu hiện dị ứng, cần hạn chế tránh tác nhân kích hoạt biểu hiện dị ứng, cụ thể: Khi thay đổi thời tiết, mưa ẩm cần đóng các cửa sổ, hạn chế cho trẻ vui chơi bên ngoài, nhằm tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa.
- Khi thời tiết chuyển mùa, lúc đi ra ngoài cần giữ ấm cho trẻ, quàng khăn cổ, mặc đầy đủ quần áo ấm, mũ, găng tay, tất… Cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc cũng như sử dụng đồ dễ gây dị ứng như: Thú bông, rèm, thảm…
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc, sinh hoạt ở những nơi có nhiều bụi như kho chứa đồ bụi bẩn và cần mở cửa phòng ngủ cho thông thoáng.
- Cần thường xuyên vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, tắm nước mát, vệ sinh mũi và súc miệng để loại bỏ dị nguyên, làm dịu da và niêm mạc hô hấp. Cần mặc quần áo rộng rãi cho trẻ để thông thoáng, giảm ma sát và kích ứng lên da. Vệ sinh dọn sạch nhà cửa, nơi ở, tránh ẩm mốc.
- Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhằm cải thiện hệ miễn dịch, cần cho trẻ bổ sung thực phẩm nhiều vitamin như các loại rau củ quả, trái cây tươi, các loại cá, rau lá xanh…
- Để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm, trái cây nước cam, dâu tây, bưởi, dưa hấu, dứa…
- Do cơ địa dị ứng, các loại thức ăn và hải sản giàu đạm, thực phẩm chứa Protein lạ - tác nhân gây dị ứng nên tránh không cho trẻ ăn. Các thực phẩm như bơ, sữa và trứng cũng cẩn trọng khi cho trẻ dùng, vì chúng có nguy cơ cao gây kích ứng, mặc dù rất giàu giá trị dinh dưỡng.
Tóm lại: Khi bị dị ứng thời tiết sẽ khiến trẻ bị ngứa, ho, sổ mũi… khó chịu, bứt rứt và thường xuyên quấy khóc. Chính vì vậy, khi thời tiết chuyển mùa, nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường như: Ho, sốt, sổ mũi… cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Theo suckhoedoisong.vn